10h, một người đàn ông trạc 30 tuổi nhờ Dương sửa giúp đôi giày phù hợp với chân bố bị bệnh nên sưng phồng, ngón lệch đi một bên. Hai tiếng sau, một nữ công nhân xóm trọ cách đó 5 km, mang bốn chiếc giỏ xách của các con đến may giúp để chúng chuẩn bị vào năm học mới.
Dương cẩn thận ghi chú, hẹn ngày họ đến lấy. Công việc này người đàn ông 41 tuổi đã làm được 9 năm để cảm ơn cuộc đời.
Dương sinh ra trong gia đình nghèo ở Bình Dương. Bố mất sớm đổ dồn gánh nặng lên mẹ làm thuê nên 9 anh em Dương tứ tán khắp nơi để mưu sinh. Năm 12 tuổi, anh bỏ nhà đi bụi theo bạn bè trôi dạt đến TP HCM.
Ngày ngủ công viên, tối Dương tìm đến các bãi rác nhặt ve chai, thỉnh thoảng xách nước thuê. Cứ vài tháng, công việc thời vụ ngưng, anh lại lang thang đến các xưởng gia công ván ép xin phụ phơi gỗ. Ngày không có việc, anh được bạn cho ở nhờ nhưng co ro chịu đói.
Năm Dương 15 tuổi, chị ruột anh thấy xót em trai nhưng phần mình cũng khó khăn nên đành nhờ người quen cưu mang anh. Họ là gia đình có 5 người ở quận 4, làm nghề truyền thống sản xuất giày. "Họ thương tôi bơ vơ nên cho ăn, ở và dạy nghề miễn phí", anh nhớ lại. "Nó là cột mốc để đời tôi sang trang".
Mùa hè năm 1998, Dương gói theo bộ quần áo đến ngôi nhà mới. Bữa cơm đầu tiên, anh chần chừ mãi không gắp, bởi đứa trẻ đường phố chẳng biết phải cư xử trên bàn ăn như nào.
Vài lần thấy lạ, anh hai và chị ba gia đình chủ nhà chỉ anh cách cầm đũa, mời cơm người lớn. Anh được dạy nề nếp, ăn nói, thưa gửi mỗi khi đi về. Mỗi mùa Tết, gia đình mua cho Dương quần áo mới như những đứa trẻ trong nhà. "Tôi bị cảm hóa, xúc động và dần thay đổi", anh nói.
Tuần vài lần, Dương đạp xe đến xưởng may của gia đình ở quận 7 học nghề. Anh tự nhận mình chậm hơn mọi người. Ví dụ như khâu làm đế giày, bạn học cùng chỉ cần tốn ba tuần, nhưng anh mất hơn tháng vẫn chưa thành thục. Đường may của anh lệch, sản phẩm cũng không chắc chắn. "Tôi biết mình không sáng dạ nên lúc nào cũng theo sau", anh nói. "Nhưng cần cù bù thông minh".
Nửa đêm, khi mọi người đã ngủ, anh vẫn ở xưởng đục đẽo, tập may đến khi thầy hài lòng. Người học nghề giày thường mất 5 năm nhưng Dương ở xưởng hơn chục năm. Bước sang tuổi 20, anh bắt đầu xin đi học văn hóa, tin học văn phòng để thiết kế mẫu giày trên vi tính.
Cậu bé Dương chậm nhất lớp dần lành nghề, anh xin ra riêng. Năm 2008, sau chục năm làm công, Dương gom tiền dành dụm mở công ty giày ở quận Bình Tân, TP HCM.
Ban đầu doanh nghiệp phát triển tốt nhưng Dương thiếu kinh nghiệm điều hành, anh phá sản sau bốn năm. Dương gánh nợ hơn hai tỷ đồng sau khi bán đi dàn máy may cuối cùng. Anh nhớ dịp đó là Tết 2012, Dương trở về căn trọ 20 m2, luộc chục trứng vịt cầm cự trong nhà và không dám gặp ai.
Nửa tháng gần như rơi vào trầm cảm, anh nhận được cuộc gọi từ chị ba, ân nhân đã cưu mang anh thơ bé. "Tôi như vỡ òa, trút hết cảm xúc", anh nhớ lại. "Chị nói rằng ngã ở đâu đứng lên ở đó". Họ gửi cho Dương một số tiền để anh xoay xở tạm.
Anh chấp nhận về Bình Dương làm thuê ở công ty giày của người bạn. Sau bốn năm, số nợ vơi dần, anh đón xe về TP HCM học quản trị kinh doanh, truyền thông doanh nghiệp.
Trong đó, một bài học mà Dương tâm đắc là trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội. Anh ngẫm lại chục năm kể từ khi rời gia đình, anh chưa một lần làm gì đó để cảm ơn cuộc đời.
"Mỗi lần tôi gặp biến cố đều có ân nhân giúp đỡ", Dương nói. "Tôi muốn làm gì đó, dù nhỏ, nhưng có ích với người khác".
Năm 2016, anh lần nữa khởi nghiệp với xưởng giày nhỏ ở TP Thủ Đức, nhân công hơn chục người. Vài ngày sau khai trương, anh dựng tủ trước tiệm treo biển sửa giày miễn phí.
Xưởng nằm trong hẻm, không truyền thông nên chỉ vài người bán vé số ngang qua, họ nhờ Dương sửa. Lâu dần, họ truyền miệng khiến số lượng đông hơn. Tuần anh nhận sửa từ 8-10 đôi, tập trung vào ngày chủ nhật. Khách chủ yếu là lao động nghèo, người giao hàng, bán hàng rong, người khuyết tật.
Chị Thu Huyền, 40 tuổi, sống cách xưởng của Dương 6 km thường gom giày, dép ở xóm công nhân nơi mình sống đến chỗ anh. Thông thường, Huyền thường đợi một tuần để nhận giày về.
"Giày sửa chắc chắn, đường may tỉ mỉ, rất có tâm", Huyền nói. "Tôi thường mang đến số lượng chục đôi, có khi kèm túi xách nhưng anh chưa bao giờ từ chối".
Giá sửa mỗi đôi giày ở nơi khác thường dao động 30.000-40.000 đồng. Dương nói số tiền này không lớn, nhưng nó sẽ đỡ đần được phần nào khó khăn của họ. Thỉnh thoảng, anh cũng vá giày giúp dân văn phòng. Họ nói ở thành phố ít tìm được nơi sửa giày, bởi người ta thường mua mới.
"Tôi không phân biệt họ giàu hay nghèo, chỉ muốn giúp đỡ mọi người", Dương nói.
Ngọc Ngân