Tiết trời Bình Dương mùa này mát mẻ, gợi thương nhớ cho người gốc Bắc như chị Hà Giang. Bữa nọ, chị nói với chồng: "Mùa này em chỉ thích đi dạo bộ, ngắm cảnh thôi". Sau đó vài ngày anh Châu, một đạo diễn, về nhà lúc hoàng hôn. Chưa kịp hạ túi máy quay nặng trĩu, anh đã cất tiếng bảo vợ: "Em trang điểm, thay đồ đẹp đi. Anh chở ra công viên chụp cho bộ hình".
Hôm đó chị Giang buông tóc dài và vận chiếc váy kẻ ôm sát. Qua ống ngắm, anh Châu thấy vợ vẫn y như cô gái 14 năm trước đã làm xao xuyến trái tim mình. "Nhiều lúc tôi cảm thấy tình yêu của chúng tôi dành cho nhau như một điều tất yếu mà cả hai không phải cố gắng gì", anh Thái Châu bộc bạch.
Mùa hè năm 2003, anh Châu quen chị Giang khi làm nhạc công trong một nhà hàng. Năm ấy chị Giang 21 tuổi, mới đến Bình Dương 2 năm, đang làm quản lý tiệm ảnh cưới của anh họ - chủ nhân nhà hàng.
Tiếng đàn du dương cùng giọng ca trầm ấm của chàng nhạc công đã khiến Giang bị cuốn hút. "Cái cách anh ấy nói với mọi người chân thật, giản dị và khiến ai cũng phải cười chỉ sau vài câu nói", chị nhớ lại. Sau lần đó, Giang luôn mong ngóng gặp lại. Cứ sau 8 giờ tối đóng cửa tiệm ảnh là chị ghé quán nghe anh hát. Ánh mắt chăm chú ở cô gái xứ Bắc đã chạm đến trái tim chàng trai miền Nam.
Một buổi tối không phải làm việc, anh Châu đánh bạo rủ Giang đi biển chơi. Ngồi sau xe anh, tim chị đập không ngừng. Anh cũng bối rối chẳng kém. Tâm trạng của hai người đã được anh Châu kể lại trong bài thơ "Hai đứa đi Vũng Tàu".
"Tôi nói tôi tên Phúc (tên ở nhà của anh Châu)/ Nhà xa thật là xa/ Bố mẹ vẫn ở nhà/ Em út còn đi học/ Tôi một thời ngang dọc/ Chẳng thích việc học hành/ Nhưng số vẫn tươi xanh/ Đến bây giờ chưa đói".
Nghe anh nói vậy, chị bật cười và thoải mái hơn. "Bao giờ anh lấy vợ?", chị hỏi. "Chừng nào tôi thật giàu/ Trong tay hai mươi chỉ/ Tôi mới thèm để ý/ Xem có chỗ nào không", chàng nhạc công đối đáp.
Chuyến đi giúp cả hai nhận ra tình cảm của nhau. Họ yêu nhau và rất nhanh chóng tiến đến hôn nhân vào tháng 10/2003, chỉ 2 tháng sau khi yêu.
Những năm đầu hôn nhân, anh Châu vẫn theo nghiệp đàn, còn chị Giang mở một hiệu ảnh mẹ và bé. Khách hàng quá đông, anh Châu quyết định nghỉ đàn để học thêm nhiếp ảnh, quay và dựng phim. Hơn 10 năm lăn lộn trong nghề, anh Thái Châu trở thành một đạo diễn chuyên quay các MV ca nhạc.
Sự nghiệp tốt, kinh tế cũng khấm khá lên, duy chỉ một điều đạo diễn Thái Châu thấy mình không thay đổi, đó là: Tình yêu dành cho vợ.
Dòng ký ức quay về hai lần vợ đẻ mổ và không có một người thân bên ngoại nào ở bên. Ngày ấy, mẹ và chị em gái của anh đều muốn đến chăm sóc, song anh một mực khước từ. "Tôi muốn tự tay mình lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho vợ con", anh bộc bạch. Anh không cho vợ đụng tay vào việc gì cho đến khi chị sinh được 3 tháng.
Chứng kiến đau đớn vợ sinh lần thứ hai, anh trải lòng vào những dòng nhật ký: "...Như đêm nay anh ngồi chờ trên ghế bệnh viện, miệng luôn thầm cầu cho mười phương Chư Phật gia hộ cho em bớt đau đớn vì vết thương, cho em được ngủ say rồi ngày mai không còn đau đớn nữa. Anh không hiểu có phải vì quá yêu em nên anh nghĩ sự đau đớn của em là do anh gây ra? Anh tự trách mình nhưng rồi mãi cứ luẩn quẩn suốt đêm, gần sáng anh mới hiểu và mới biết rằng em mới là người hi sinh cho anh. Em cho anh hạnh phúc. Em cho anh tiếng cười, tiếng khóc của con trẻ. Em cho anh một người vợ thuỷ chung, cho anh một gia đình mỹ mãn".
Bao năm qua anh Châu đã làm cả trăm bài thơ tặng vợ. Những vần thơ còn vụng dại nhưng chất chứa tình cảm ngọt ngào, trong trẻo, đầy ắp si mê, cảm kích tuyệt đối đến vợ. "Một lần ra khỏi nhà mà tôi quên chưa chúc vợ ngày 8/3, lúc đang đi quay thì tôi chợt nhớ ra. Tôi vội đem giấy bút viết lại cảm xúc của mình, rồi gấp thành hình trái tim đến lúc đi làm về liền tặng cho vợ", anh kể.
Tình cảm chồng dành cho quá lớn, nên chỉ cần nghĩ đến thôi, trong chị Giang đã tuôn trào cảm xúc. Trong nửa tiếng trò chuyện ngắn ngủi, chị nhắc tới cụm từ: "tình cảm của anh ấy lạ lắm" 12 lần, "tình cảm anh ấy vẫn như ngày đầu mới yêu" không dưới chục lần và "tôi thấy mình may mắn" đến 4 lần.
Nhà có ôtô nhưng anh Châu thích được chở vợ sau xe đạp đi ăn. Cứ hễ trời đổ mưa, anh lại rủ vợ con đi dạo. "Anh ấy bảo thích cảm giác chạy trốn cơn mưa, rồi trú dưới một mái hiên nào đó. Anh cởi áo khoác ra, lúc che cho vợ, khi đi cùng con thì che cho con", chị Giang kể.
Quan tâm vợ từ những thứ nhỏ nhất, anh Châu hình thành thói quen tay xách nách mang mỗi ngày đi làm về. Đó chỉ là một củ khoai lang nướng, một cốc chè ngọt, hay cái bánh bột nếp... anh dừng lại ven đường mua, nhiều hôm phải đầu trần chạy mưa hay đi lòng vòng mấy ngõ cũng không ngại.
Khi che chở, khi lãng mạn như tình nhân, có lúc anh Châu lại khiến vợ cảm thấy anh như một "đứa trẻ". Đó là lúc đi làm về vội gọi "vợ ơi, vợ ơi", và rút tiền trong túi ra đưa hết cho chị. "Anh ấy thao thao đủ chuyện. Nói chán chê mới bảo mình đưa lại cho một ít tiền để ngày mai ngày kia có việc nọ kia cần tiêu. Mặt anh ấy rạng ngời hạnh phúc", chị Giang kể.
Tình yêu của anh Châu dành cho vợ đã khiến gia đình bên ngoại hoài nghi suốt 10 năm. Người Bắc ít thể hiện tình cảm, nên thấy cách sống của anh Châu "khác thường". Bố mẹ đẻ chị Giang và một số người họ hàng thậm chí còn hỏi chị "Có sống hạnh phúc không?".
Chị Nụ, chị gái chị Giang kể, những năm đầu em rể về quê, nhiều người cho rằng anh Châu đang diễn kịch. "Hễ thấy chú ấy nói cảm ơn vợ là mọi người thấy lạ. Một câu chú ấy xưng 'anh - em', hai câu 'anh - em', lại còn ánh mắt và cử chỉ tình tứ, không ngại có người xung quanh. Mãi sau này tiếp xúc nhiều mới biết Châu vốn sống tình cảm vậy", chị Nụ nói.
Cũng chỉ vì lúc nào cũng quấn quýt như sam mà những người gặp lần đầu đều nghĩ anh chị là một đôi đang yêu. Nhiều lần họ du lịch với nhau, kể cả khi đi dạo, siêu thị, đều có người xung quanh hỏi có phải anh chị đang yêu hoặc mới cưới.
Luôn mơ về một ngôi nhà nhỏ bên bờ suối, có chim chóc, hoa nở xung quanh và người vợ hiền của mình, anh Châu cho biết sẽ sớm thực hiện ước mơ này.
Phan Dương