Kết quả kiểm phiếu cho thấy người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm 23/6. Việc Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit) có thể gây ra những hậu quả sau đối với lợi ích của Ngoại hạng Anh, theo nhận định của truyền thông châu Âu.
Giấy phép lao động. Hiện tại, khoảng 65% các cầu thủ thi đấu ở Ngoại hạng Anh là người nước ngoài. Các CLB Anh đang được tự do ký với bất kỳ cầu thủ nào có hộ chiếu EU, theo luật lao động của khối này cho phép sự tự do dịch chuyển. “Chuyện gì sẽ xảy ra sau sự kiện Brexit liên quan tới dịch chuyển lao động là một bí ẩn lớn”, tờ Goal nhận định.
Trong khi đó, Telegraph phân tích: “Khi người Anh chọn Brexit, hơn 100 cầu thủ hiện thi đấu ở Ngoại hạng Anh sẽ không còn đáp ứng được tiêu chuẩn của giấy phép lao động hiện hành dành cho các cầu thủ thuộc EU. Do đó, những người đó có thể sẽ không được hưởng quy chế tự động gia nhập các CLB khác ở Ngoại hạng Anh”.
Theo những quy định hiện nay của Bộ Nội vụ Anh, các cầu thủ nước ngoài muốn có giấy phép lao động ở Anh sẽ phải đáp ứng được yêu cầu đầu tiên là đã chơi một số trận nhất định cho đội tuyển quốc gia của họ. Khi Anh còn thuộc EU, những cầu thủ đến từ các quốc gia EU không phải chịu điều kiện ràng buộc này. Dimitri Payet, N’Golo Kante và Anthony Martial là những cầu thủ người Pháp chưa đáp ứng được tỷ lệ trận đấu ở đội tuyển quốc gia khi đầu quân cho các CLB Ngoại hạng Anh hồi mùa hè 2015. Khi Anh rời EU, những cầu thủ thuộc diện đó có thể không được cấp giấy phép lao động ở giải Ngoại hạng Anh cho tới chừng nào họ có đủ số lần yêu cầu khoác áo đội tuyển quốc gia.
Điều lệ cấp giấy phép lao động của LĐBĐ Anh (FA) có các yêu cầu sau đối với các cầu thủ quốc tế muốn gia nhập Ngoại hạng Anh:
- Một cầu thủ đến từ một quốc gia thuộc top 10 xếp hạng FIFA cần phải tham gia thi đấu ít nhất 30 phần trăm tổng số trận của đội tuyển trong khoảng thời gian hai năm trước khi họ nộp đơn xin cấp giấy phép lao động tại các CLB Ngoại hạng Anh. - Một cầu thủ đến từ quốc gia có vị trí FIFA từ 11 đến 20 cần phải tham gia chơi ít nhất 45 phần trăm tổng số trận quốc tế trước khi nộp đơn xin cấp giấy phép lao động. - Yêu cầu đó tăng thành 60 phần trăm cho mười quốc gia tiếp theo trong bảng vị trí FIFA, và tăng thành 75 phần trăm cho các quốc gia có vị trí FIFA từ 31 đến 50. - Anh rời khỏi EU đồng nghĩa các cầu thủ đến từ 27 quốc gia hiện vẫn còn thuộc khối EU sẽ cần phải đáp ứng được các tiêu chí trên để được cấp giấy phép lao động, trừ khi có các quy định khác. |
Một số cầu thủ EU khác, như tiền đạo người Pháp Olivier Giroud của Arsenal, có thể vẫn được tự động cấp giấy phép lao động theo quy định của FA, vì họ là những cầu thủ thường xuyên thi đấu các trận quốc tế cho đội tuyển quốc gia.
Tiến sĩ Babatunde Buraimo, một giảng viên cao cấp về kinh tế học thể thao của trường University of Liverpool, nhận định rằng việc Anh rời EU có thể đồng nghĩa khiến các CLB sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn để ký hợp đồng với các cầu thủ.
“Các CLB sẽ bị giới hạn trong việc mua sắm cầu thủ nước ngoài. Vì các quy định về thời gian khoác áo đội tuyển và vị trí FIFA, các CLB sẽ tập trung hơn vào các cầu thủ tầm cỡ đến từ các quốc gia EU có vị trí FIFA cao. Nếu Ngoại hạng Anh bị giới hạn như vậy, điều đó sẽ gia tăng giá trị chuyển nhượng các cầu thủ thuộc số ít, tăng đòi hỏi lương thưởng. Nhược điểm dễ thấy sẽ là các CLB phải bỏ qua những cầu thủ tiềm năng, như Kante chẳng hạn, vì họ không đáp ứng được các điều kiện xin cấp phép lao động”, Tiến sĩ Babatunde Buraimo phân tích cụ thể.
Nhưng nhiều chuyên gia dự đoán rằng các quy định về cấp giấy phép lao động sẽ được giảm bớt hoặc hạ thấp tiêu chuẩn, chẳng hạn đối với các quốc gia không thuộc EU như Thụy Sĩ và Na Uy, để tăng sự tiếp cận vào các thị trường đơn lẻ.
Tiến sĩ Gregory Ioannidis, giảng viên luật cao cấp của Đại học Sheffield Hallam, thậm chí nói rằng ông không nghĩ đến "bất kỳ vấn đề nghiêm trọng cũng như rắc rối phát sinh nào" trong ngắn hạn, nếu Anh rời EU. Vị này cũng cho rằng gần như chắc chắn không có bất cứ hạn chế nào được áp dụng trong ít nhất khoảng hai đến ba năm đầu tiên sau khi rời khỏi EU.
Tiến sĩ Buraimo cũng không dám chắc sẽ có một "tác động lớn" đến Ngoại hạng Anh. "Các chính trị gia có lý trí có thể sẽ nới lỏng các điều luật, và ưu tiên thị trường đơn lẻ. Giải Ngoại hạng Anh là một trong những hạng mục xuất khẩu lớn nhất của Vương quốc Anh, và nó tạo ra số tiền rất lớn. Lợi ích ròng của Vương quốc Anh không nên bị coi nhẹ”, Buraimo nhận định.
Tiến sĩ này còn nói rằng các chính trị gia nên xem xét giấy phép lao động đối với các cầu thủ như một vấn đề tách biệt, vì các cầu thủ là nguồn lợi ích góp tích cực với nền kinh tế quốc gia: “Đây không phải là một phần của những vấn đề do khủng hoảng nhập cư gây ra. Các cầu thủ không thuộc diện vấn đề gây tranh cãi. Họ kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đóng thuế, sống tại Anh và đóng góp cho những thứ liên quan tới kinh tế”.
Những lỗ hổng khác. Chính sách chuyển nhượng các tài năng trẻ có thể bị ảnh hưởng. FIFA có những quy định về chuyển nhượng các cầu thủ trẻ vị thành niên, ở độ tuổi từ 16 đến 18, thuộc EU hoặc EEA (khối Kinh tế châu Âu). Khi rời EU, các CLB Anh có thể phải bỏ qua các tài năng trẻ như Hector Bellerin, cầu thủ gia nhập Arsenal ở tuổi 16. Cesc Fabregas, tiền vệ hàng đầu thế giới hiện nay, cũng từng gia nhập Arsenal ở tuổi 16 từ lò đào tạo của Barca.
Tương tự, tư cách thành viên EU cũng tạo ra những cơ hội cho các cầu thủ đến từ những nơi cách xa châu Âu hơn. Nhiều cầu thủ gốc Nam Mỹ, chẳng hạn như tiền đạo sinh ra ở Brazil Diego Costa, có thể xin nhập tịch một quốc gia nào đó để trở thành công dân châu Âu và chuyển tới Ngoại hạng Anh dễ dàng như thời gian qua. Costa đã có quốc tịch Tây Ban Nha và khoác áo đội tuyển quốc gia này trước khi chuyển tới Chelsea hồi hè 2014.
Tuy nhiên, Brian Monteith, người phụ trách chiến dịch vận động Anh rời EU trên mạng thông qua trang web nổi tiếng những ngày này Leave.eu, tranh luận rằng“Brexit” sẽ tạo ra nhiều cơ hội tuyển dụng hơn cho các CLB.
“Sự tự do dịch chuyển dành cho những người thuộc EU song hành cùng những giới hạn nặng nề về cấp thị thực cho những bản hợp đồng tiềm năng từ châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và vùng Caribbe. Một khi chúng ta rời EU, Anh sẽ được tự do đối xử bình đẳng với các cầu thủ đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới, nghĩa là sẽ mở rộng hồ bơi các tài năng cho các CLB của chúng ta, chứ không hề thu hẹp lại”, Brian Monteith trả lời phỏng vấn BBC.
Các vụ chuyển nhượng tự do vẫn diễn ra bình thường? Luật Bosman, cho phép một cầu thủ có thể tự do rời CLB khi hết hạn hợp đồng để chuyển tới CLB khác, sẽ không có gì thay đổi vì việc Anh rời EU. Bởi luật này giờ đã thành luật chung của FIFA và không phụ thuộc vào luật lao động của châu Âu.
Doanh thu truyền hình. Mới đây, Chủ tịch điều hành Ngoại hạng Anh, ông Richard Scudamore nói rằng Anh nên ở lại EU vì “quan điểm kinh doanh”. Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh được bán tại Vương quốc Anh hồi năm ngoái với giá lên tới 5,14 tỷ bảng. Họ còn các các hợp đồng riêng biệt khắp châu Âu.
Hồi đầu tuần này, tất cả 20 CLB ở Ngoại hạng Anh đều bảy tỏ thái độ ủng hộ Anh tiếp tục là một phần của EU. Họ lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu theo hình thức hợp đồng phát sóng.
Một khi Anh rời EU, doanh thu truyền hình rất có thể chịu tổn thất. “Doanh thu rõ ràng có liên quan tới chất lượng của các cầu thủ mà giải Ngoại hạng Anh có thể mang tới cho người xem truyền hình và khán giả trên sân vận động. Đó là lý do vì sao các đài truyền hình lớn đang chi trả hàng tỷ đôla để mua bản quyền phát sóng”, tiến sĩ Buraimo phân tích.
Ông nói thêm: “Nếu các cầu thủ EU chất lượng cao không xuất hiện, hoặc số lượng giảm đi ở Ngoại hạng Anh, đương nhiên giá trị bản quyền phát sóng sẽ giảm đáng kể”.
Lộ trình rút khỏi EU của Anh có thể mất tới 10 năm mới chính thức hoàn tất, vì các quốc gia như Pháp và Đức có thể sẽ kéo dài thời gian đàm phán. Do đó, những tác động lớn tới giải Ngoại hạng Anh có thể chưa xảy ra lập tức, nhưng chắc chắn sẽ không ít.
Nguyễn Phát