Giới chức quốc phòng Anh và Đức hôm 27/4 ký ý định thư về hợp tác phát triển dự án Đạn pháo Động năng Cải tiến (EKE), nhằm mục tiêu tăng cường hỏa lực cho xe tăng chủ lực Challenger trong tương lai.
Quân đội Anh đang tìm cách nâng cấp 148 xe tăng Challenger 2 lên chuẩn Challenger 3, trong đó tích hợp tháp pháo mới, cải tiến hệ thống cảm biến và quang học, đồng thời trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall L55A1 cỡ nòng 120 mm do Đức chế tạo, thay thế pháo có rãnh khương tuyến L30A1 hiện nay.
Chuyển đổi sang pháo nòng trơn sẽ giúp Anh đồng bộ mạng lưới hậu cần với Mỹ và các nước NATO khác. Challenger 2 là dòng xe tăng duy nhất của NATO sử dụng nòng pháo có rãnh khương tuyến, do quân đội Anh ưu tiên sử dụng đạn nổ mạnh đầu dẻo (HESH) thay vì đạn thanh xuyên tách vỏ dưới cỡ (APFSDS) phổ biến với pháo nòng trơn.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa Anh sẽ phải từ bỏ đạn uranium nghèo CHARM 3, do loại đạn này không thể bắn được trên pháo nòng trơn. Phát triển đạn EKE dường như là nỗ lực nhằm bù đắp thiếu hụt về hỏa lực với lực lượng xe tăng Anh khi nâng cấp lên chuẩn Challenger 3.
Những chiếc Challenger 3 đầu tiên dự kiến đạt khả năng sẵn sàng vận hành vào năm 2027, toàn bộ số xe này có thể đưa vào biên chế quân đội Anh từ năm 2030.
London cũng đang xem xét phương án tăng số lượng xe tăng Challenger 2 được nâng chuẩn, nhưng điều này có thể gặp nhiều rào cản. Quân đội Anh hiện chỉ có 157 xe tăng Challenger 2 trong trạng thái sẵn sàng vận hành, so với 227 chiếc trên giấy tờ, do nhiều xe đã bị tháo phụ tùng để bảo đảm hoạt động cho số còn lại.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. Uranium nghèo có tính phóng xạ rất thấp, nhưng độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, nên được sử dụng làm đầu đạn để tăng khả năng xuyên phá, chống lại các loại giáp trên xe tăng.
Đạn thanh xuyên chứa uranium nghèo trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, sau khi Anh thông báo chuyển loại đạn này cho Ukraine để tăng hiệu quả tiêu diệt xe thiết giáp.
Bộ Cựu binh Mỹ cho biết uranium nghèo phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Vũ Anh (Theo Army Technology)