Trong đoạn video, Cheng, 39 tuổi, cho biết anh không nâng giá mì tự làm và bán tại một khu chợ nông thôn ở quận Phí, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc trong vòng 15 năm. Anh cho rằng nếu tăng giá, dân trong làng không thể mua được. "Đây là giải pháp để mọi người được ăn mì dù ít tiền. Khi họ giàu và có vận may, tôi sẽ nâng giá", Cheng nói trong clip có 200 triệu người xem. Mỗi bát mì ramen anh bán có giá 3 tệ (khoảng 10.000 đồng).
Người xem tỏ ra vô cùng cảm động trước sự giản dị và tốt bụng của chàng trai. Họ đặt cho anh biệt danh Ramen Brother. Hàng trăm người làm blog cũng đổ xô đến làng để kiếm tiền từ sự nổi tiếng của anh. Những người này quay phim Cheng để tăng tương tác trên mạng xã hội. Dòng người kéo đến gây tắc nghẽn những con đường nhỏ hẹp ở làng. Một số blogger còn tìm mọi cách xâm phạm quyền riêng tư của Cheng. Họ trèo qua tường để hy vọng có thể nhìn thấy anh trong video phát trực tiếp.
Ban đầu, bất ngờ và choáng váng vì cuộc sống của mình và làng quê đảo lộn, anh chỉ ở trong nhà, không làm mì nữa. Thậm chí, Cheng còn đến nhà người thân trốn qua đêm. "Tôi không muốn nổi tiếng. Tình trạng hiện tại khiến tôi gặp nhiều rắc rối. Tôi chỉ là một nông dân bình thường. Tôi làm và bán mì ramen. Đó là tất cả những gì về tôi", anh từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cùng với sự hiện diện của các blogger, người hâm mộ Cheng lái xe hàng trăm dặm đến xem anh làm mì và thưởng thức. Họ phải xếp hàng cả giờ đồng hồ để được tận hưởng niềm vui. Một số blogger chụp ảnh quảng cáo khi đứng cạnh Cheng.
Những vị khách lâu năm của Cheng sợ hãi khi thấy đám đông kéo đến chợ, phía sau anh. Họ đặt câu hỏi cho anh bán mì và liên tục xin chụp ảnh cùng. "Tôi đã phải chịu một áp lực rất lớn. Tất cả người dùng Internet ở Trung Quốc đang tập trung vào tôi. Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Hy vọng sự chú ý của họ sẽ chuyển hướng", anh nói.
Tuy nhiên, vài ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn, Cheng thừa nhận đã quen với sự chú ý của đám đông. "Họ phát trực tiếp lúc 6-7 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 10 giờ tối. Tôi hiểu họ. Họ giống tôi, chỉ đang kiếm sống", anh nói trên tờ Chutian Metropolis Newsl có trụ sở tại Hồ Bắc, tuần trước.
Thấy dân làng có thu nhập nhờ du khách kéo đến, Cheng cho biết, anh muốn tận dụng sự nổi tiếng của mình để thúc đẩy kinh tế địa phương. Ngôi làng Cheng sống ở trung tâm Sơn Đông nhưng không có đèn đường, thậm chí không có đường bê tông.
"Nếu có thể, tôi ước mình nổi tiếng mãi mãi, để người dân trong làng có thể sống sung túc", anh bán mì nói.
Các nhà trọ, nhà hàng và siêu thị địa phương đã bùng nổ. Các quầy hàng nhỏ bán đồ nướng, súp thịt cừu và các loại bán truyền thống của địa phương, các hoạt động giải trí mọc lên như nấm ở khu vực xung quanh nhà ông Cheng.
Một người phụ nữ họ Cui, trước đây chỉ ở nhà, nhưng kể từ khi Cheng nổi tiếng, dùng chiếc xích lô của mình để đưa khách vào làng. "Trong tuần qua, tôi đã đưa hàng nghìn người vào làng, làm việc từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày", cô phấn chấn.
Li Weiming, một cán bộ trong làng, cho biết ông và 5 đồng nghiệp cùng với 30 tình nguyện viên đã làm việc liên tục trong hai tuần để cung cấp cho các blogger và người hâm mộ các dịch vụ, bao gồm kiểm soát sự hỗn loạn và sắp xếp xe đưa đón từ nhà của Cheng đến chợ.
"Tôi kết thúc công việc lúc 11 giờ tối hàng ngày," Li nói. "Tất cả chúng tôi đều vui mừng vì ngôi làng của chúng tôi đã có cơ hội phát triển này".
Từ khi du khách xuất hiện, ngôi làng đã mở rộng con đường chính và hiện có sáu bãi đậu xe tạm thời. Một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã điều động hai xe tín hiệu để tăng cường kết nối internet, sau khi các blogger phàn nàn đường truyền quá chậm.
Nhật Minh (theo SCMP)