Trong số các bài viết so sánh hình ảnh người chụp selfie cùng thủ tướng Đức, với Najim Laachraoui, kẻ đánh bom sân bay ở Brussels lan tràn trên Facebook và Twitter mới đây, một số người bình luận "giống đến kinh ngạc", một số khác khẳng định luôn là bà Merkel đã "chụp ảnh với kẻ đánh bom giả làm người di cư", theo DW.
Thậm chí nhóm hacker Anonymous còn chia sẻ hình ảnh này trên Facebook, thu hút đến hai triệu người xem.
Tuy nhiên, Anas Modamani, nhân vật chính trong bức ảnh đã bác bỏ lời đồn ác ý. Cậu cho biết câu chuyện đáng ra chỉ tức cười nếu không gây phiền toái đến thế. Sự lan truyền của tấm ảnh và những bình luận đã khiến cậu buồn.
Modamani, 19 tuổi, rời khỏi Damascus, Syria và đến Đức hồi tháng 9 năm ngoái. Cậu đang sống với một gia đình người Đức ở Berlin, ngày ngày vẫn đến trường. Modamani hy vọng sẽ đưa được gia đình mình ở Syria tới Đức trong tương lai.
Liang Cheng, bạn của Modamani, lên án tin đồn trên mạng xã hội là "những lời nói dối hoàn toàn vô căn cứ". Cheng cũng lo lắng mọi người, trong đó có cảnh sát, có thể cho rằng "sự so sánh là có nguyên nhân nào đó".
Najim Laachraoui, 24 tuổi, bị nhà chức trách Bỉ xác định tham gia tấn công ở sân bay Zaventem hôm 22/3. Tên này còn được cho là chế tạo bom để cung cấp cho các cuộc tấn công Paris, Pháp, hôm 13/11. Hai vụ tấn công ở Brussels sáng 22/3 làm ít nhất 30 người chết và khoảng 200 người bị thương. Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và tung video đe dọa "ác mộng mới chỉ bắt đầu".
Khánh Lynh