Angelina Jolie cùng sáu con đang giãn cách xã hội tại Los Angeles. Cô theo dõi tình hình chính trị, xã hội hàng ngày. Trong cuộc phỏng vấn mới với tạp chí Harper’s Bazaar, diễn viên thảo luận về chống phân biệt chủng tộc, tầm quan trọng của việc bảo vệ người yếu thế giữa những cuộc khủng hoảng và cách cô vượt qua thời gian tự cách ly bên gia đình.
- Trong giai đoạn cách ly, chị thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống?
- Nhiều năm trước, tôi may mắn được đi cùng Liên Hiệp Quốc đến nhiều nơi trên thế giới và nhìn thấy những điều quan trọng. Có sáu con, tôi cũng luôn được nhắc nhở điều gì là quan trọng nhất mỗi ngày. Nhưng sau hai thập niên làm những công việc có quy mô toàn cầu, tôi suy nghĩ lại về nhu cầu và nỗi khổ của đất nước mình sau những ngày đại dịch cùng diễn biến xã hội Mỹ lúc này.
Một hệ thống xã hội bảo vệ tôi nhưng không đứng về phía con gái tôi (Zahara - con nuôi người da màu) hay bất cứ đàn ông, phụ nữ, đứa trẻ di cư nào trên đất nước này do màu da của họ. Chúng ta cần làm nhiều hơn ngoài sự đồng cảm và chấp hành các chính sách. Chấm dứt lạm dụng chính sách chỉ là khởi đầu. Cần thay đổi ở tất cả khía cạnh của xã hội, từ hệ thống giáo dục cho đến chính trị.
- Chị có lời khuyên nào trong việc giáo dục trẻ về phân biệt chủng tộc?
- Hãy lắng nghe những người đang bị áp bức và đừng bao giờ giả vờ đã biết rõ.
- Chị chứng kiến điều gì giúp khôi phục niềm tin thời gian cách ly?
- Đó là cách mọi người đang vùng lên. Họ nói đã mệt mỏi với những lời bào chữa và biện pháp nửa vời, họ đoàn kết khi đối mặt những phản hồi không thỏa đáng của giới chức trách. Cảm giác như cả thế giới đang thức dậy và đòi hỏi các kế hoạch rõ ràng hơn. Đã đến lúc thay đổi luật pháp và các tổ chức chính trị, lắng nghe những người bị đàn áp, bị tước quyền phát ngôn.
- Theo chị, tác động khủng khiếp nhất của dịch là gì?
- Tôi lo đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến người tị nạn. Họ phải rời bỏ quê nhà vì bom đạn, nạn hãm hiếp và bạo lực từ rất lâu trước khi nCoV xuất hiện. Họ sống và bị căm ghét vì là người ngoại quốc, bị phân biệt chủng tộc, chịu định kiến mỗi ngày. Họ chính là thành phần dễ tổn thương nhất trên thế giới này khi nói đến hệ quả của đại dịch.
Một nỗi sợ khác là nạn bạo hành gia đình. Trước dịch, nơi nguy hiểm nhất của một phụ nữ bị bạo hành chính là nhà của họ. Trong thời gian cách ly, vấn đề lạm dụng và mức độ bạo hành ngày càng tăng. Điều tôi quan tâm nhất chính là trẻ em. Con số trẻ bị bạo hành khiến tôi không thể chợp mắt. Có một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khỏe của những đứa trẻ này. Chúng bị lãng quên, tổn thương về tâm lý.
- Theo chị, vì sao nhiều người vẫn chưa nhận ra sự nghiêm trọng của nạn bạo hành trong gia đình?
- Chúng ta vẫn đang nhắm mắt làm ngơ trước điều này. Mọi người thường không tin vào những đứa trẻ bị hại, không ưu tiên quyền lợi hay coi trọng chấn động tâm lý của chúng. Hệ thống bảo vệ trẻ em không có nguồn lực kinh tế và sự đào tạo cần thiết. Ở Mỹ thậm chí không có ghi nhận về cái chết do bạo hành trẻ em, đồng nghĩa chúng ta không thể nhìn nhận thực trạng. Tôi nghĩ không chỉ những người bạo hành, người che giấu hay bác bỏ việc đó cũng phải chịu trách nhiệm. Mọi người đều nói muốn chống lại bạo lực gia đình, nhưng có những điều cụ thể chúng ta cần hành động, trọng tâm là bảo vệ trẻ em.
- Hàng triệu sinh viên, học sinh bị gián đoạn việc học do dịch. Một số trong đó có thể không bao giờ được trở lại trường. Chúng ta có thể làm gì trước nguy cơ này?
- Nữ sinh không được đến trường có thể dẫn đến nguy cơ tảo hôn, lạm dụng sức lao động, tình dục và bạo hành. Đại dịch này ảnh hưởng lớn đến nhiều bé gái ở nhiều quốc gia. Chúng ta biết điều đó nhưng vẫn chần chừ hành động. Liên hiệp quốc cảnh báo đại dịch có thể khiến hơn hai triệu trường hợp cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (hủ tục ở nhiều nước) và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong thập niên tới. Điều này thật khủng khiếp. Kêu gọi chính phủ đến giúp các nữ sinh dễ bị tổn thương là bước đi tiên quyết.
- Điều gì khiến chị ủng hộ quyết liệt cho những thay đổi?
- Nhân quyền và bình đẳng. Cuộc đấu tranh để sống trong hòa bình, độc lập, để lao động và giành nhân quyền đang diễn ra khắp nơi. Với những người yếu thế, cuộc chiến này càng khó khăn hơn, bất kể đó là một gia đình tị nạn hay một gia đình đang gồng mình chống lại nghèo đói trên chính đất nước họ.
- Từ đâu chị có ý tưởng làm cuốn sách hợp tác với tổ chức Ân xá quốc tế về quyền trẻ em?
- Có những đứa trẻ không biết về quyền trẻ em, bởi người lớn đang ngăn cản chúng. Chúng tôi làm một cuốn sách nhằm giúp trẻ em nhận thức được quyền của bản thân, để chúng biết cần làm gì khi bị xâm phạm.
- Chị đọc, xem gì trong những ngày qua?
- Tôi dành thời gian nhiều nhất trong ngày để lắng nghe. Tôi theo dõi tạp chí Time, The New York Times, BBC World và những nhà hoạt động phong trào Black Lives Matter trực tuyến. Gần đây tôi xem bộ phim tài liệu I Am Not Your Negro kể về nhà văn James Baldwin và phong trào giành dân quyền tại Mỹ. Trước khi đi ngủ, tôi đọc cuốn Unreasonable Behaviour của nhiếp ảnh gia chiến trường Don McCullin và đối chiếu xem báo chí đã thay đổi thế nào trong hơn nửa thế kỷ qua.
- Chị làm gì để giảm bớt căng thẳng, lo lắng?
- Giống hầu hết phụ huynh khác, tôi tập trung giữ bình tĩnh để bọn trẻ không bị lo lắng. Tôi dành toàn bộ năng lượng cho chúng. Khi đang cách ly, chú thỏ của con gái tôi - Vivienne - qua đời trong một cuộc phẫu thuật. Chúng tôi nhận hai chú thỏ con bị tàn tật khác. Những động vật đó rất dịu dàng, khiến bọn trẻ tập trung chăm sóc. Và còn cả những chú chó, rắn, thằn lằn...
- Chị ước điều gì cho cuộc sống sau giãn cách xã hội?
- Nỗ lực thay đổi để bảo vệ những người yếu thế vẫn đang là điều quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không quay lưng và sẽ làm việc với nhận thức rõ ràng hơn về lòng nhân đạo.
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, minh tinh Angelina Jolie được biết đến nhiều qua các hoạt động từ thiện bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và chống phân biệt chủng tộc. Nữ diễn viên trở thành cây bút của tạp chí Time từ tháng 6/2019. Cô thường đóng góp các bài tham luận về các vấn đề bảo vệ phụ nữ, trẻ em và người nhập cư. Công việc nằm trong nhóm các hoạt động minh tinh thực hiện dưới tư cách đại sứ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn với 18 năm kinh nghiệm trong hoạt động nhân đạo toàn cầu.
Thu Thảo (Theo Harper’s Bazaar)