Android được coi là "thế giới mở" với vô số mẫu smartphone, máy tính bảng từ rất nhiều thương hiệu, kích cỡ màn hình và sử dụng các công nghệ khác nhau. Điều này giúp hệ điều hành của Google được các nhà sản xuất hưởng ứng, tung ra hàng loạt thiết bị, đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng.
Tuy vậy, Android phải đối mặt với tình trạng phân mảnh các phiên bản, gây khó khăn không chỉ cho các nhà phát triển mà còn ảnh hưởng tới người dùng. Kể từ năm 2012, OpenSignal đã liên tiếp vẽ ra tấm bản đồ về thế giới Android, là tập hợp của rất nhiều mảnh ghép. Đến năm nay, bức tranh này có thêm nhiều thành phần và ngày càng hỗn loạn.
Đến năm 2015, công ty này thống kê có trên 24.000 mẫu điện thoại Android khác nhau đã được phát hành, tăng trưởng đáng kể so với con số gần 19.000 kiểu mẫu vào năm ngoái. Đáng chú ý, những thiết bị trên đến từ 1.294 nhà sản xuất, trong số đó có hơn 1.000 hãng chưa được biết đến kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu năm 2012.
Samsung tiếp tục là công ty cho ra đời nhiều điện thoại Android nhất với thị phần 37,8%. Dù vậy, đây không phải là tin vui với nhà sản xuất Hàn Quốc bởi con số này vào năm 2012 lên tới 43%.
Tuy nhiên, khoảng cách mà Samsung tạo ra với các đối thủ rất lớn, bởi Sony ở vị trí thứ hai cũng chỉ chiếm 4,8% thị phần. Theo sau có thể kể đến LG, Motorola hay HTC. Các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Xiaomi dần thể hiện được vai trò của mình với những "mảnh ghép" lớn dần, trong đó tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi là thương hiệu hàng đầu, vượt cả Samsung.
Về phía người dùng, Android có nhiều mẫu mã để lựa chọn, ở các tầm tiền khác nhau. Nhưng quá nhiều cũng khiến bạn gặp khó khăn vì sự khác biệt giữa chúng là không lớn. Thậm chí, có những thiết bị giống hệt nhau từ kiểu dáng, phần mềm, tính năng...ngoại trừ tên thương hiệu.
Với lập trình viên, gánh nặng khi Android phân mảnh ảnh hưởng nhiều khiến họ phải thiết kế ứng dụng làm sao cho tương thích với nhiều sản phẩm nhất. Các nhà phát triển nói rằng, Google không cho ra được một tập hơp chung của Android khi chỉ có hơn 57% số máy chạy bản KitKat trở lên, còn lại đều là bản lỗi thời. Điều này hoàn toàn trái ngược với iOS khi phiên bản iOS 8 chiếm tới 85% tổng số thiết bị.