Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai, chuyển tội danh từ Dâm ô trẻ em sang Hiếp dâm trẻ em đối với Trần Nhật Bằng và phạt 16 năm tù thay cho 7 năm tù như án sơ thẩm.
Một tối tháng 6/2010, lợi dụng lúc vợ đi làm về trễ, Bằng ép con gái lớn (11 tuổi) “quan hệ”. Những ngày sau, Bằng tiếp tục có hành vi đồi bại. Quá hoảng sợ, cháu bé kể lại cho em gái. Đứa em nói lại với mẹ. Bằng bỏ trốn, đến tháng 12/2010 bị bắt.
Tại cơ quan điều tra, Bằng nói không có việc giao cấu. Dựa trên lời khai của nạn nhân cùng kết quả giám định (cháu gái bị rách màng trinh), cơ quan điều tra và VKS thấy đủ cơ sở khởi tố, truy tố Bằng về tội Hiếp dâm trẻ em.
Tại phiên sơ thẩm mở tháng 4, TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng chưa đủ cơ sở để xét xử bị cáo về tội này. Kết luận giám định xác định nạn nhân bị rách màng trinh nhưng chưa đủ cơ sở xác định vì lý do gì. Vì vậy chỉ có thể xử lý Bằng về tội Dâm ô đối với trẻ em...
Sau đó, VKSND tỉnh Đồng Nai kháng nghị. Tòa phúc thẩm nhận định chứng cứ điều tra, lời khai, khám nghiệm pháp y đủ cơ sở xác định bị cáo phạm tội hiếp dâm… nên đã tuyên án như trên. Vụ án này là một trong nhiều vụ gây tranh cãi do việc giám định không được thực hiện kịp thời.
Nhiều chuyên gia cho biết trên thực tế công tác giám định về xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế. Chẳng hạn ở TP HCM, chỉ có Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ được chỉ định giám định pháp y về xâm hại tình dục và cũng chỉ giám định trong giờ hành chính. Luật Giám định tư pháp không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm dù tinh trùng chỉ sống được tối đa 72 giờ. Như vậy, nếu trẻ em bị xâm hại tình dục mà phát hiện trễ hoặc đưa đi giám định không kịp thời sẽ thiếu mất bằng chứng quan trọng để xác định thủ phạm.
Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, nạn nhân phổng phao, phát triển sớm hơn lứa tuổi, có khi lại tự nguyện, chủ động mời gọi nghi can, khi vụ việc bị phanh phui lại “hợp tác” với nghi can để chạy tội. Chẳng hạn, vụ Nguyễn Trung Tín phạm tội giao cấu với trẻ em. Theo hồ sơ, đầu năm 2010, Tín và em Loan (hơn 14 tuổi) nảy sinh tình cảm. Trưa 11/5/2010, Tín cùng bạn xuống Cần Giờ (TP HCM) chơi, hẹn gặp em Loan, sau đó cả ba đến mọt nhà nghỉ thuê hai phòng. Tại đây Loan đã chủ động ôm hôn Tín rồi cả hai “quan hệ”… Trưa hôm sau, về nhà được một lúc, em Loan quay lại tìm Tín rồi cả hai tiếp tục thuê phòng nghỉ lại. Đến tối, cha mẹ em Loan phát hiện, báo công an.
Tín bị khởi tố, truy tố về tội Giao cấu với trẻ em. Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 3, do Tín thành khẩn nhận tội, ngoài ra còn có một số tình tiết giảm nhẹ khác nên TAND huyện Cần Giờ chỉ phạt một năm tù.
Tuy nhiên, Tín lại kháng cáo kêu oan, phủ nhận rằng chưa hề “quan hệ” với em Loan. Cô gái cũng có bản tường trình cả hai thuê phòng chỉ để nghỉ ngơi, nói chuyện, chơi game. Quá trình điều tra, em đã nhiều lần khẳng định là giữa em với Tín chưa đến mức độ yêu nhau vượt quá giới hạn nhưng cán bộ điều tra nói Tín đã nhận hết rồi, cứ nhận đi để xếp hồ sơ. Do còn nhỏ, chưa hiểu biết pháp luật nên em mới nhận đại cho xong việc. Giải thích về kết luận giám định rằng màng trinh có vết rách cũ, em Loan khai “một lần trong giờ học thể dục tập nhảy bị trượt chân té và giấu người nhà”…
Trước đó, tại Hà Nội từng xảy ra một vụ bị cáo và nạn nhân “hợp tác” kêu oan, nhờ đó bị cáo thoát tội Hiếp dâm trẻ em. Cụ thể, Bùi Văn Hoạt làm nghề mổ gia cầm thuê, ở trọ trong khu lán tạm gần chợ Long Biên. Hoạt quen biết rồi yêu cháu Hoa (học sinh cấp 2). Tháng 3/2010, lúc cháu Hoa sang chỗ làm của Hoạt chơi, Hoạt đã xâm hại tình dục. Sự việc bị phát hiện, gia đình cháu Hoa trình báo công an.
Ban đầu, Hoạt và Hoa khai nhận cả hai đã “quan hệ”. Tuy nhiên, sau đó cháu Hoa làm đơn khai lại, bản thân Hoạt cũng thay đổi lời khai rằng hai người không có “quan hệ” gì cả. Vì vậy, cuối cùng tòa chỉ có thể xử Hoạt 6 tháng tù về tội Dâm ô đối với trẻ em.
Khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự quy định người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Hiểu theo câu chữ của điều luật thì bất cứ đàn ông hay đàn bà đã thành niên rồi mà lại giao cấu với trẻ em khác giới ở tuổi từ 13 đến dưới 16 đều phạm tội. Nhưng tại điểm d khoản 2 lại ghi: “… làm nạn nhân có thai…”. Vậy phải chăng người bị hại phải là nữ vì chỉ nữ mới có thể mang thai và chỉ có thể xử lý hình sự đối với nam giới khi có hành vi này? Ngoài ra, hiện chúng ta vẫn xem hành vi giao cấu là quan hệ tình dục giữa người khác giới, trong khi thực tế đã có tệ nạn mại dâm đồng tính. Phải chăng đã đến lúc thay đổi định nghĩa về hành vi mua bán dâm để có thể xử lý hình sự nhằm ngăn chặn tệ nạn ngày càng phát triển này? Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP HCM |
Theo Pháp luật TP HCM
* Tên nạn nhân đã thay đổi