Cô Phượng, 28 tuổi, tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non trường Đại học Sài Gòn năm 2011, được phân công làm giáo viên trường Mầm non Long Trường, quận 9. Một năm sau, cô nhận bé trai bị tự kỷ với những cảnh báo rằng em rất hay đánh, cào cấu cô giáo, phụ huynh lại rất khó tính. "Tôi gần như theo sát bé. Ăn cơm cũng ngồi cùng, ngủ trưa cũng nằm kế", cô Phượng kể tại chương trình giao lưu Trái tim người thầy, ngày 13/11.
Những ngày đầu, bé thường xuyên đánh bạn, cắn cô, không chịu nghe lời ai. Cô giáo trẻ tìm cách dỗ ngọt, chiều chuộng mọi yêu cầu của cậu nhưng kèm theo điều kiện bắt buộc "hằng ngày phải nói chuyện nhiều với cô".
"Tôi dẫn bé đi chơi cùng đám trẻ, dỗ dành các em 'hôm nay bạn rất ngoan, không đánh ai đâu' để chúng cùng vui vẻ", cô Phượng kể. Một thời gian sau, bé đã ít quấy khóc hơn, chơi nhiều với bạn hơn. Mẹ bé khoe ở nhà con đã tự giác chơi và học, biết chào ông bà mỗi khi đi học về, thậm chí còn phụ được việc nhà. "Bé nói với tôi rằng em muốn được ba mẹ chú ý nhiều hơn, vì ở nhà ai cũng bận, ít khi chơi với em. Tôi kể cho mẹ bé và đề nghị gia đình dành cho bé nhiều thời gian hơn", cô nói.
Cậu bé sau đó rất tiến bộ, học tốt hơn cả những em trong lớp, cuối năm lĩnh giấy khen. Hôm tổng kết năm học, mẹ em khóc oà vì trước đó đã tính gửi con vào trường chuyên biệt. Hiện cậu học lớp 7 và vẫn nhớ đến cô giáo cũ. "Nghề nào cũng cần cái tâm và cái tài. Nhưng với tôi, nghề giáo viên mầm non chữ tâm quan trọng hơn. Chỉ cần có tấm lòng và sự tâm huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua", cô Phượng nói về công việc 8 năm qua của mình.
Còn với cô Phạm Thị Thanh Nhung (giáo viên Văn trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn), kỷ niệm đáng nhớ nhất là với cậu học trò lớp 7 do cô chủ nhiệm hơn 10 năm trước. Lúc đầu nhận lớp, cô để ý cậu vì thường xuyên gục mặt trên bàn, vẻ mặt chán chường. "Em không sao thưa cô", cậu trả lời khi được hỏi.
Cô gọi điện thông báo tình hình cho mẹ cậu, đề nghị gặp để trao đổi nhưng bị từ chối. Tìm đến tận nơi tìm hiểu, cô biết chuyện cha mẹ cậu vừa ly hôn, vì quá bận buôn bán để nuôi hai con nên người mẹ không thể đến trường. Từ đó, cô quan tâm đặc biệt đến cậu học trò, thường xuyên động viên để em không buồn. Kết quả được đền đáp khi cậu đạt học sinh giỏi. Hôm nhận thưởng, em nói sẽ mang giấy khen khoe với ba.
Nói về cơ duyên chọn nghề giáo, cô Nhung kể, động lực lớn nhất đến từ những người thầy thời phổ thông và người cha chân lấm tay bùn. Cô cảm nhận được hình ảnh đẹp của người thầy trong lòng mọi người khi còn bé. Lớn lên, cô biết chuyện cha mình ngày xưa phải bỏ dở năm hai trường sư phạm vì hoàn cảnh gia đình, cô càng quyết tâm đi con đường mà ông muốn.
"Tôi chọn học sư phạm cũng một phần bởi nhà nghèo, đông anh em, không muốn cha mẹ thêm vất vả vì chuyện học phí", cô thẳng thắn và nhận được sự đồng cảm bằng những nụ cười của hơn trăm thầy cô ở khán phòng.
Trái tim người thầy là chương họp mặt thường niên do Công đoàn ngành giáo dục TP HCM tổ chức trong dịp lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Năm nay, chương trình tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu - những nhà giáo luôn vượt khó, tận tuỵ với nghề và đạt được những thành tựu trong công việc "trồng người".