Samsung là một trong số ít nhà sản xuất còn phát triển màn hình cong và Q8C là mẫu TV cong cao cấp nhất của hãng trong năm 2017. Sản phẩm được nâng cấp khả năng trình diễn nhưng thực tế QLED không phải công nghệ hoàn toàn mới. Đây vẫn là dòng TV LCD sử dụng đèn nền LED, có thêm công nghệ chấm lượng tử để tăng độ sáng, màu sắc, góc nhìn.
Thiết kế
Samsung Q8C không có nhiều khác biệt so với "đàn anh" KS9000 ra năm ngoái, vẫn thanh lịch và hiện đại như vậy nhưng được làm mỏng hơn. Chất lượng hoàn thiện của sản phẩm này được cải tiến khi sử dụng kim loại cho toàn bộ khung và giá đỡ TV. Nhà sản xuất Hàn Quốc tiếp tục duy trì thiết kế 360 độ giúp TV trông ưa nhìn ở cả mặt sau.
Phía trước TV là màn hình cong với phần viền kim loại mỏng khoảng 5 mm và đường viền màu đen 5 mm ở xung quanh. Bộ lọc phía trước tấm nền giúp TV giảm phản xạ ánh sáng môi trường. Chân đế cho Q8C thiết kế cong theo chiều cong của màn hình, vẫn dùng kiểu chữ V tương tự model 2016 nhưng thanh mảnh hơn.
Mặt sau thiết bị được cách điệu, có nắp che khu vực cắm cáp kết nối và dây nguồn. Samsung sử dụng hộp One Connect giúp đưa các cổng kết nối vào một phụ kiện gắn ngoài. Điểm mới là hãng trang bị một sợi dây quang siêu mảnh để liên kết giữa TV và One Connect, nhờ vậy, mặt sau TV trông gọn gàng bởi không còn sự xuất hiện của hàng tá dây kết nối.
Do sở hữu màn hình cong, Q8C không "mỏng dính" như một số TV dùng công nghệ khác. Sự thay đổi đáng kể nhất của sản phẩm này đến từ chất lượng hoàn thiện và khung kim loại đem đến vẻ chắc chắn, cao cấp.
Hình ảnh và âm thanh
TV của Samsung là loại LCD với đèn nền LED, được tăng cường bởi công nghệ chấm lượng tử Quantum dot. Nhờ vậy, Q8C cho độ sáng lên đến 1.500 nits, kém một chút so với model cao cấp Q9F. Còn theo Techradar đánh giá, sản phẩm của Samsung là một trong những TV có độ sáng cao nhất thế giới hiện nay.
Dùng đèn LED viền nhưng màu đen trên thiết bị được thể hiện khá tốt nhờ công nghệ làm tối cục bộ. Độ đồng đều của ánh sáng cũng đảm bảo dù rằng cạnh dưới, nơi đặt đèn LED, có một chút chênh chênh lệch nhỏ. Bộ lọc ở mặt trước màn hình tỏ ra hiệu quả khi triệt tiêu hầu hết nguồn sáng từ môi trường xung quanh, ngay cả khi xem TV tại phòng khách có nhiều cửa sáng vào ban ngày.
TV của Samsung đạt chứng nhận Ultra HD Premium từ tổ chức UHD và hỗ trợ cả hai định dạng HDR bao gồm HDR10+ và HLG. Q8C cũng có cảm biến ánh sáng giúp tự động điều chỉnh độ sáng của TV phù hợp với ánh sáng trong phòng, từ đó người dùng sẽ ít phải chuyển đổi giữa các chế độ xem.
Độ sáng cao cùng màu đen sâu giúp hình ảnh trên Q8C thể hiện sống động, nhất là khi xem các nội dung đạt chuẩn HDR. Theo trang đánh giá nghe nhìn nổi tiếng Avforums, thiết bị của Samsung thể hiện 99% gam màu trong tiêu chuẩn DCI-P3, kết quả tốt nhất mà họ từng đo đạc được trên một chiếc TV.
Màu sắc trên Q8C thể hiện sống động và chân thực, dù rằng chưa đạt mức độ tuyệt đối. Sử dụng máy do chuyên dụng, Avforums nhận thấy màu đỏ và xanh ở mức bão hòa, trong khi đó màu vàng và xanh lục có chút sai khác nhỏ, nhưng cho phép cải thiện thông qua thiết lập màu tùy chỉnh.
Với các cảnh chuyển động, TV của Samsung xử lý khá tốt nhờ công nghệ Q Engine. Màn hình thể hiện mượt khi xem thể thao, các nội dung được tự động làm mịn bằng cách phân tích bối cảnh sau đó nội suy khung hình thông qua thiết lập Auto Motion Plus.
Màn hình cong đem lại trải nghiệm hình ảnh rộng và sẽ cảm nhận rõ nhất với các model tầm 50 inch trở lên, ở khoảng cách ngồi phù hợp. Mặc dù Samsung đã cải thiện góc nhìn cho Q8C nhưng sử dụng thực tế, màu sắc và độ tương phản của TV vẫn bị giảm đôi chút khi người dùng ngồi lệch khỏi vị trí trung tâm.
Dù kích thước khá mỏng, TV của Samsung vẫn đảm bảo chất lượng âm thanh tương xứng với một sản phẩm cao cấp. Âm thanh phát ra hướng trực tiếp đến phía người nghe, trung âm tách bạch bạch và ấm khiến lời thoại rõ ràng và chân thực. Âm trường thể hiện qua Q8C ở mức vừa phải, trên model 65 inch khá tốt do TV có kích thước lớn và hai loa trái, phải được đặt cách xa nhau.
Với những người thích bass hoặc đòi hỏi cao về âm thanh, việc đầu tư một soundbar sẽ giúp trải nghiệm trở nên hoàn hảo hơn.
Tính năng thông minh
Vẫn dùng nền tảng Tizen với giao diện Smart Hub nhưng cách thể hiện và thao tác trên Q8C trực quan hơn. Từ màn hình chính, người dùng có thể dễ dàng truy cập đến các chương trình yêu thích thông qua menu gợi ý. Tốc độ phản hồi cũng được cải thiện đáng kể, đem đến trải nghiệm mượt mà.
Smart Hub của Q8C có khả năng nhận dạng và điều khiển mọi thiết bị ngoại vi kết nối đến TV. Thông qua cổng HDMI trên bộ One Connect, TV Samsung mới sẽ tự động hiện tên thiết bị và lựa chọn đầu vào. Đi kèm đó là điều khiển thông minh với bộ vỏ kim loại tương ứng với thiết kế của TV. Remote này lược giản các nút bấm, hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói với cả tiếng Việt.
Samsung còn hợp tác với các nhà cung cấp để mở rộng kho nội dung trên TV của mình. Ngoài các kênh lớn của nước ngoài như Netflix, Amazon hay YouTube, Q8C còn có các ứng dụng xem phim của Việt Nam với một số bộ phim 4K dành riêng cho TV Samsung. Dĩ nhiên, để sử dụng các dịch vụ này lâu dài, người dùng sẽ phải trả thêm phí nội dung.
Tổng kết và so sánh
Tiếp tục với công nghệ LCD, Q8C được Samsung đầu tư cải tiến đáng kể cho lượng hình ảnh với ưu điểm độ chính xác màu cao, gam màu rộng, khả năng làm mờ cục bộ, độ sáng cao, dễ sử dụng và một thiết kế bắt mắt. Bên cạnh việc góc nhìn tối ưu bị hạn chế, trở ngại lớn nhất với người dùng khi tiếp cận sản phẩm này là mức giá cao.
Có giá bán 65 triệu đồng cho phiên bản 55 inch, QLED Q8C sẽ cạnh tranh với dòng OLED TV LG C7T hay Sony A1 cùng kích cỡ với giá đắt hơn khoảng 15 triệu đồng so với sản phẩm của Samsung. Còn với TV LED, đối thủ Sony 55X9300E lại có giá tốt hơn, khoảng 56 triệu đồng, nhưng là TV màn hình phẳng.
Bảng so sánh một số TV cùng phân khúc:
Samsung Q8C | LG C7T | Sony A1 | Sony X93/94 | |
Màn hình | LCD LED | OLED | OLED | LCD LED |
55 inch | 65 triệu đồng | 80 triệu đồng | 80 triệu đồng | 56 triệu đồng |
65 inch | 93 triệu đồng | 110 triệu đồng | 130 triệu đồng | 80 triệu đồng |
75 inch | 159 triệu đồng | Không có | Không có | 120 triệu đồng |