Bố mẹ là người Việt Nam nhưng Zani Vouva (1990) sinh ra tại Cộng hòa Czech. Ký ức về văn hoá quê mẹ đối với Zani trong những năm tháng trưởng thành không sâu đậm mặc dù cô lớn lên trong cộng đồng châu Á tại Czech.
Lần đầu tiên Zani đón Tết tại Việt Nam vào năm 2016. Đến nay, cô đã ăn 5 cái Tết tại Việt Nam. "Cái Tết mà tôi nhớ nhất là lần đầu về quê chồng, khi được biết đến nhiều truyền thống, phong tục và ẩm thực khác nhau", Zani chia sẻ.
Mỗi gia đình đều có cách đón Tết riêng
Đón Tết cùng gia đình bên nội, Zani về quê chồng ở một ngôi làng thuộc xã Tư Mại (huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Cả nhà nghỉ đêm tại miếu của dòng họ và nhà tổ để đón năm mới.
Cả nhà sẽ bày biện mâm cơm cúng, lễ vật và cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con cháu. Hoàn thành lễ cúng gia tiên, mọi người sẽ cùng hàng xóm đến ngôi đền của làng sau giao thừa. Lễ cúng giao thừa có nhiều công đoạn và nghi thức. Sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, Zani phải học dần mới có thể thực hiện thành thạo.
Zani nhận thấy mỗi gia đình có cách đón Tết riêng: "Một số sẽ tổ chức lễ tại nhà, một số sẽ dành thời gian giao thừa tại nhà thờ của gia đình và đi cầu nguyện tại chùa địa phương ngay sau nửa đêm. Người dân rất thích đi lễ chùa trong ngày Tết".
Cộng Hoà Czech không có nhiều đền chùa, và hầu như không tổ chức các lễ hội đầu năm mới âm lịch. Do đó cô thích nhất trải nghiệm lễ hội xuân ở chùa trong dịp Tết ở miền Bắc, như lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.
Zani ấn tượng trước cảnh đường làng thường ngày vắng vẻ, đến Tết lại nhộn nhịp. Dọc đường san sát những quầy bán thức ăn đường phố, bày biện những mặt hàng Tết truyền thống, biểu diễn ca nhạc địa phương... Không chỉ có người dân trong làng mà rất nhiều du khách từ phương xa cũng đi chùa, đi chơi với gia đình và gặp gỡ bạn bè tại hội chợ xuân. Zani cho rằng điều đó khiến cho cái hồn của Tết ở vùng quê Bắc Bộ trọn vẹn hơn.
Cô rất thích các món ăn truyền thống ngày Tết miền Bắc. Ngoài các món ăn không thể thiếu như bánh chưng, thịt đông, gà luộc và nem rán, mâm cơm Tết của gia đình nhà chồng Zani còn có lòng gà, vịt quay, cá hấp... Zani chia sẻ, đồ ăn nhiều đến nỗi cô không thể nhớ hết tên trừ những món rất quen thuộc.
Tết Nguyên Đán tại Czech và Việt Nam
Cộng đồng châu Á tại Czech cũng đón Tết Âm lịch với gia đình. "Mặc dù không tổ chức hoành tráng với nhiều lễ hội như ở Việt Nam, chúng tôi vẫn đón Tết với đầy đủ phong tục truyền thống", cô cho biết.
Nhờ các phương tiện truyền thông, Zani biết Tết thực sự là một ngày lễ quan trọng ở Việt Nam, thậm chí còn lớn hơn cả Giáng Sinh. "Giờ tôi coi Tết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất bên cạnh Giáng Sinh và năm mới. Tôi phải thừa nhận rằng đôi khi cảm thấy bối rối không biết làm thế nào cho đúng các phong tục Tết vì gia đình tôi đa dạng về văn hóa và vùng miền", Zani bày tỏ.
Tết ở Cộng hòa Czech được cộng đồng người Việt và người Hoa thực hiện. Mọi người có thể ăn mừng tại nhà hoặc đến các bữa tiệc do lãnh đạo cộng đồng tổ chức. Họ chuẩn bị rất chu đáo các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, gỏi... hay các màn trình diễn lân sư rồng.
Ngoài ăn Tết tại quê chồng ở Bắc Giang, Zani cũng từng đón năm mới tại Sài Gòn. Cô cho rằng cảm nhận về không khí Tết của mình cũng không khác nhiều so với những người nước ngoài khác: "Tôi thích không khí những ngày Tết. Đường phố trở nên rực rỡ, nhiều màu sắc và vắng vẻ hơn. Tôi thích nét đa dạng của truyền thống Tết ở mỗi miền. Tôi cũng đặc biệt thích các món mà chỉ khi đến Tết tôi mới có dịp được ăn như thịt kho, củ kiệu...".
Mặc khác, Zani cho rằng thời gian chuẩn bị Tết quá căng thẳng và mệt mỏi, đặc biệt với phụ nữ. "Ở Czech việc chuẩn bị cho Giáng Sinh cũng căng thẳng, nhưng mọi người tổ chức các buổi tiệc thân mật là chủ yếu. Các gia đình Việt Nam dường như đón khách không ngơi nghỉ, điều này khiến chủ nhà rất mệt mỏi. Những người phụ nữ phải rửa hàng chồng bát đĩa trong nhiều ngày, trong khi những người đàn ông tiếp đãi, ăn uống với khách", chị bày tỏ.
Thanh Hằng