Để chuẩn bị chào đón năm mới, chính phủ đã cho trồng hoa, trải cỏ, trang hoàng khắp các con đường, khu phố. Hương vị tết thực sự đang len lỏi gõ cửa từng nhà, hơi ấm mùa xuân đang xua đi cái lạnh lẽo, buồn bã thê lương của mùa đông, thúc giục cây cối đâm chồi nảy lộc.
Thật sự lúc này, khi đang đi trên đường phố Teheran, hòa mình vào dòng người ngược xuôi, hân hoan chuẩn bị đón Eide Nowruz (tết cổ truyền của người Iran, thường diễn ra vào cuối tháng ba hàng năm) tôi thấy nhớ nhà da diết, nhớ cái cảm giác được ở bên những người thân yêu canh nồi bánh chưng, nhớ cái lạnh của Hà Nội và cả những cơn mưa phùn giăng trắng trời trong những ngày xuân.
Thế là đã gần năm năm tôi sống ở Iran, thế là đã bốn cái tết tôi xa nhà, xa quê hương. Tạm gác cái cảm giác da diết, nhớ nhung sang một bên, tôi thầm lặng quan sát mọi người, cảnh vật trong những ngày trọng đại nhất năm nay. Thật kỳ lạ, hai đất nước dù cách xa nhau nhưng cũng có thật nhiều điểm tương đồng.
Tôi cảm nhận được sự hân hoan vui mừng trong từng đôi mắt của các em bé được bố mẹ dẫn đi chợ cùng, từng nụ cười của người bán hàng và mua hàng. Sự tưng bừng náo nhiệt lan tỏa khắp mọi nơi, thành phố Tehran tôi đang sống như khoác lên mình một bộ cánh mới, với muôn sắc màu vui nhộn.
Xa xa trên đỉnh Damavan, tuyết cũng đang dần tan. Màu trắng của tuyết nhường chỗ cho màu xanh của cây cỏ, màu đỏ của hoa tuy líp dại, màu vàng của hoa bồ công anh. Trên các con phố chính, các trung tâm mua bán, mọi người bận rộn mặc cả, mua hàng, ai cũng muốn chuẩn bị một cái tết tốt nhất cho cả gia đình.
Giống như người Việt Nam, để đón chào năm mới, người Iran dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ và mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Tục dọn dẹp này, được gọi là Khanetekani (khane có nghĩa là nhà, tekani là rung, lắc); họ ví von việc dọn dẹp này là rung lắc nhà cửa.
Ngoài ra, để chào xuân về, các bà các mẹ còn gieo các hạt lúa mì, lúa mạch trong các bát hoặc đĩa cho cây mọc thành mạ. Các bát, đĩa cây mầm này được gọi là sabzeh và được bày trong những ngày tết. Ngọn nguồn sâu xa của việc trồng cây mầm bắt nguồn từ nguồn gốc văn hóa nông nghiệp của người Iran. Họ gửi gắm mong muốn mùa màng bội thu trong năm mới vào đó.
Trong các tục lệ mà người Iran tổ chức đón chào năm mới đối với tôi ấn tượng nhất có lẽ là Charshambesury - có thể gọi đây là lễ hội nhảy lửa. Vào ngày thứ ba cuối cùng của một năm, bắt đầu từ chiều cho đến rạng sáng ngày hôm sau, ta có thể nhìn thấy ánh lửa bập bùng tỏa sáng khắp mọi nơi, từ các góc phố, góc vườn, cho đến các quảng trường, hoang mạc.
Người ta gom củi lại thành đống to rồi đốt, khi đống lửa bốc cao, từng người nối đuôi nhau nhảy qua lửa, vừa nhảy họ vừa hát. Trong cái lạnh của đêm tối, ánh lửa bập bùng cháy hắt lên khuôn mặt người nhảy làm họ trở nên bí ẩn lạ thường, dường như không ai biết mệt.
Họ tin rằng ngọn lửa sẽ xua tan mọi bệnh tật, bất hạnh đồng thời sẽ mang đến sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ. Đây cũng là dịp để các cô gái muộn chồng xin quẻ mở vận may của mình.
Nếu như người Việt trước thời khắc năm mới đều cố gắng trả hết nợ nần và dẹp bỏ mọi hiềm khích phiền não thì người Iran cũng vậy. Họ tránh nói đến những điều xui xẻo trong những ngày này.
Khi lang thang trên các con phố Tehran những ngày trước tết, một điều nữa làm tôi nhớ đến tết nơi quê nhà đấy là màu sắc rực rỡ của hoa. Nếu như ở Việt Nam ngày xuân được tô điểm bởi sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai và sắc cam của quất thì nơi đây chìm ngập trong biển sắc màu của các loại cây hoa mùa xuân.
Một thứ không thể thiếu trong tết cổ truyền của người Iran đó là mâm “haft sin”, nó gần giống như mâm ngũ quả của người Việt chúng ta. Haft sin là biểu tượng, là ước muốn no đủ, hạnh phúc của con người xứ nghìn lẻ một đêm, là lễ vật bày tỏ sự kính trọng, biết ơn đến Thượng đế.
Một haftsin được trưng bày tại nhà |
Haft sin thực chất là bảy thứ có chữ viết đầu bằng chữ “sin” trong bảng chữ cái của người Iran (haft có nghĩa là bảy, sin tương đương với chữ cái “s” trong bảng chữ cái tiếng Việt).
Số bảy được coi là con số thiêng liêng trong văn hóa Iran từ những ngày xa xưa. Haft sin chính là đại diện của bảy vị thần: tái sinh, sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, niềm vui, sự kiên nhẫn và vẻ đẹp. Bảy thứ chính của haftsin bao gồm:
· sabzeh - đấy chính là đĩa hoặc bát cây mầm được gieo ngay trước tết từ các hạt lúa mì, lúa mạch hoặc các hạt đỗ. Sabze là hình ảnh của thiên nhiên, là biểu tượng của sự tái sinh.
· samanu - Nó giống như món chè. Samanu được nấu rất cầu kỳ từ mầm cây lúa mì. Đây là biểu tượng của sự sung túc.
· senjed - là quả khô của cây nhót đắng. Người Iran tin rằng khi hoa của cây nhót đắng nở và kết trái, mùi hương của nó sẽ làm cho đôi lứa yêu nhau. Vì vậy loại quả này là biểu tượng của tình yêu.
· sīr - tỏi, được biết đến là biểu tượng của thuốc
· sīb - táo - biểu tượng của sắc đẹp và sức khỏe
· somaq - bột quả cây thù du - đây là biểu tượng của mặt trời
· serkeh - dấm - là biểu tượng của tuổi thọ và sự kiên nhẫn
Ngoài những thứ kể trên, để gửi gắm hy vọng và mong muốn của mình, người Iran còn bày thêm một số thứ khác như: đồng xu, những quả trứng màu, nước hoa hồng, gương, nến, tập thơ của Hafiz hoặc Ferdowsi.
Haftsin đặc trưng và quan trọng với người Iran đến nỗi mà trên các khu phố, quảng trường, các tòa nhà, …. người ta đều bày biện và trang trí nó thật đẹp. Việc này giống như người miền Bắc mua đào, quất để trang trí thêm cho Tết Nguyên Đán hay người phương Tây trang trí cây thông Noel.
Tôi được mời về nhà một người bạn Iran ăn Tết, đây là một dịp may để tôi cảm nhận được sâu đậm nhất cái Tết của họ. Ở Việt Nam giao thừa được cố định là đêm cuối cùng của năm (tính theo âm lịch), là thời khắc tiễn biệt năm cũ và chào đón năm mới nhưng ở Iran, thời khắc này không cố định mà thay đổi hàng năm.
Giao thừa được các nhà chiêm tinh tính toán chính xác mỗi năm: đó là khi Mặt trời đi qua đường xích đạo, là khi ngày và đêm cân bằng nhau. Lúc này mọi thành viên trong gia đình sẽ quay quần bên nhau, chúc tụng nhau năm mới, trẻ em và người lớn tuổi sẽ được nhận tiền mừng tuổi mà người ta gọi là “eidi”. Món ăn không thể thiếu trong ngày này là món sabzi polo (cơm nấu với dầu ăn và thì là ăn với cá rán).
Người Iran cũng có tục đi thăm hỏi và chúc tết người thân, họ hàng như người Việt chúng ta trong những ngày đầu năm. Mọi người mừng nhau hạnh phúc, thành công và gặp nhiều may mắn.
Với tôi, Tết của người Iran khá dài: mười ba ngày. Vào ngày thứ mười ba của tháng Farvardin (tháng 1, lịch Iran) được gọi là “sizda be dar” - ngày thiên nhiên: mọi gia đình thường tổ chức đi picnic, cắm trại ngoài trời.
Haftsin cũng được mang theo, khi gặp các sông, suối, người ta sẽ thả sabze trôi theo dòng nước. Trên các bãi cỏ lớn trong công viên, vườn hoa, hay thung lũng mọi người vui vẻ cắm trại, chơi đùa. Các cặp uyên ương, các đôi vợ chồng và các cô gái trẻ cũng không quên kết cỏ vào ngày này với mong ước gỡ bỏ mọi vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, xua đuổi điều xui xẻo.
Ý nghĩa đặc biệt của việc kết cỏ còn là xe duyên cho các cô gái muộn chồng. Nguồn gốc của tục lệ dễ thương này được thuật lại như sau: khi Mashie và Mashiane (cặp vợ chồng đầu tiên trong thần thoại Iran) lấy nhau, ngày đó là ngày mười ba tháng 1 (lịch Iran), do thời đó chưa có nghi lễ cưới hỏi và đính hôn như bây giờ nên hai người đã kết cỏ để thề nguyền với nhau.
Không khí Tết ở Iran đã để lại trong tôi một dấu ấn khó phai mờ không thể nào quên.
Thanh Phương