Sáng nay, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp tục phiên thẩm tra Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Trước việc Bộ Tư pháp đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội (Cướp tài sản; Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh) đa số ý kiến của nhóm nghiên cứu bước đầu của Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đã đồng tình. Hiện có 22 tội danh áp dụng hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, đề xuất không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử đã không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Trong khi cơ quan soạn thảo cho rằng việc này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra tuổi thọ trung bình người của Việt Nam đã được nâng cao, người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí lực, sự chênh lệch so với lứa tuổi thấp hơn không nhiều. Hơn nữa, thực tế nhiều người ở độ tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như cầm đầu các tổ chức tội phạm (xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền, ma túy…). Nếu không có sự phân hóa áp dụng hình phạt sẽ làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đề xuất bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành án tù giam trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt bổ sung cũng bị nhiều đại biểu cho rằng không có tính khả thi.
Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) còn điều chỉnh mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu như: tội Đánh bạc (điều 331), tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản, do người khác phạm tội mà có, tội Trộm cắp tài sản (điều 170), tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản (điều 169), tội Tổ chức đánh bạc (điều 332) từ 2 triệu theo quy định của luật hiện hành lên 5 triệu đồng.
Nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là quy định "phi tội phạm hóa". Họ e ngại nhiều hành vi tội phạm sẽ không bị xử lý hình sự, trong khi tình hình an ninh trật tự thời gian qua diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng nâng mức tối thiểu lên như vậy sẽ rất khó và thiệt thòi cho nhiều người dân nghèo. “Trước đây là 500.000 đồng rồi nâng lên 2 triệu đồng. Cũng chính vì mức 2 triệu mà chúng ta từng nói mãi về việc không xử được vấn nạn trộm chó, trộm cắp vặt”, thượng tướng Vương phân tích.
Ông Vương cho rằng vẫn nên giữ mức 2 triệu đồng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói với người dân ở thành phố lớn thì mức 2 triệu đồng là nhỏ nhưng ở vùng quê, vùng sâu thì đây là "một tài sản" nên đề nghị không tăng lên 5 triệu đồng.
Trước các ý kiến không tán thành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng trong bối cảnh chung, tình hình kinh tế xã hội phát triển thì nâng lên 5 triệu là hợp lý.
Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có 441 điều, tăng 87 điều so với luật hiện hành, giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bỏ 8 điều. Trong các quy định mới có đề xuất phạt tù với hành vi cản trở hoạt động biểu tình, điều 164. Theo đó, người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều khác của bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến 7 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến 5 năm.
Điều 220 của dự thảo quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên đã bị xử lý hành chính về hành vi này, số tiền trốn đóng từ một tỷ đồng trở lên với số lượng người không được đóng bảo hiểm trên 200 người thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Bảo Hà