Trả lời:
Tỏi là một loại gia vị thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người Việt Nam. Trong loại gia vị này có chứa allicin, phytocide... Đây là những cái kháng sinh thực vật rất tốt, có thể giúp chúng ta tăng sức đề kháng chung của cơ thể. Từ đó, ta có thể phòng bệnh nói chung, cúm nói riêng.
Bệnh cạnh đó, tỏi còn chứa vitamin A dạng beta-carotene, vitamin C, một phần nhỏ vitamin D và chất khoáng như selen, kẽm. Như vậy, nó có tác dụng chống oxy hóa và tăng đề kháng.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nếu dùng tỏi quá nhiều có dẫn tới tình trạng nóng. Do đó, chúng ta chỉ nên sử dụng như một loại gia vị, dù đã tiêm phòng hay chưa. Việc này không có lợi cho mẹ bầu, đặc biệt là khi bạn mới mang thai tháng thứ 2 - giai đoạn có nguy cơ sảy thai cao.
Về dinh dưỡng cho người mang thai, bạn nên ăn đủ và cân đối các nhóm chất đạm, béo, xơ, tinh bột. Không có cái loại thực phẩm nào là tốt nhất mà chỉ có bữa ăn tốt nhất. Tức là người mẹ cần ăn kết hợp từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, ít nhất mỗi bữa ăn của mẹ có 15 loại thực phẩm, như vậy, cơ thể có thể hấp thu nhiều loại dưỡng chất khác nhau. Bạn có thể tham khảo thêm chế độ ăn tại đây.
Ngoài ra, người mang thai có thể bổ sung vitamin, calci, sắt, acid folic, đa vi chất để phát triển toàn diện từ thể chất đến trí não cho thai nhi.
Về chuyện tiêm phòng cúm hay Covid-19, người mang thai nên cân nhắc bản thân có đang ở trong vùng dịch hay không. Nếu ở nơi có dịch, mẹ bầu nên xem xét cái lợi và không có lợi của việc tiêm vaccine Covid-19 đối với người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu có điều kiện nhận tiêm chủng, người mang thai vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thầy thuốc nhân dân, PGS. TS. BS. Lê Bạch Mai
Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa Nutrihome miền Bắc