Các nghiên cứu chỉ ra, giấc ngủ lấn át quá trình tiêu hóa, cơ thể có xu hướng gặp khó trong việc xử lý đường và chất béo. Điều này gây bất lợi đối với bệnh tiểu đường type 2, béo phì hoặc các vấn đề sức khỏe mãn tính khác. Do đó, đẩy sớm bữa tối là phù hợp, theo nghiên cứu đăng trên tờ Endocrine Journal (Tạp chí Nội tiết) của Mỹ.
Một nghiên cứu năm 2022, đăng trên tờ Cell Metabolism, cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian ăn muộn và bệnh béo phì. Nghiên cứu cho thấy, việc ăn khuya đã thay đổi cách cơ thể lưu trữ và phân hủy chất béo, hướng tới việc tích trữ chất béo nhiều hơn. Ăn muộn hơn có thể làm giảm nồng độ leptin trong huyết thanh, loại hormone giúp điều chỉnh lượng mỡ trong cơ thể và giảm lượng calo bị đốt cháy trong suốt cả ngày.
Nghiên cứu cuối năm 2022, đăng trên Obesity Reviews chỉ ra, ăn sớm hơn trong ngày có tác động tích cực đến việc giảm cân trong thời gian ngắn, trong khi ăn tối muộn gây ra tình trạng không dung nạp glucose vào ban đêm và giảm khả năng sử dụng chất béo làm năng lượng ở 20 người trưởng thành khỏe mạnh.
Tuy nhiên, thời gian ăn tối của mỗi người phụ thuộc vào một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, ví dụ ca làm việc, lịch trình tập thể dục, thói quen sinh hoạt gia đình, tình trạng mệt mỏi đơn thuần.
Theo chuyên gia Maya Feller, có rất nhiều biến số cần được xem xét khi nói về thời gian lý tưởng để ăn tối. Điều quan trọng nhất là tìm ra thời gian biểu phù hợp với lịch trình của riêng bạn. Đừng lo lắng nếu bạn không thể ăn tối lúc 18h hàng ngày. Tuân thủ nhịp sinh học của bạn là quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe, bởi cơ thể có xu hướng tuân theo nhịp sinh học tự nhiên bên trong, giúp chúng ta biết khi nào cần đi ngủ và thức dậy. Quan trọng, đó là một lịch trình nhất quán hơn là ăn uống thất thường, hoặc đợi cho đến khi đói cồn cào mới ăn thứ gì đó.
Chuyên gia dinh dưỡng Bazilian, Mỹ nói: "Khi nhịp sinh học bị gián đoạn, chẳng hạn như làm việc vào ban đêm và ăn uống không đúng giờ, cơ thể bạn sẽ bị rối loạn, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, tiểu đường type 2, béo phì và một số loại ung thư".
Vì vậy, ngay cả khi lịch trình của bạn không cho phép ăn tối sớm, việc ăn uống đều đặn vẫn có lợi, nếu điều đó phù hợp với lối sống của bạn. Việc ăn các bữa chính hoặc đồ ăn nhẹ cứ sau 3-5 giờ có thể giúp tránh lượng đường trong máu tăng hay giảm đột biến, ngăn cảm giác thèm ăn, uể oải và cảm giác nôn nao khó chịu.
Ngoài ra, theo chuyên gia, một cách tuyệt vời để xác định thời gian ăn uống phù hợp cho sức khỏe là tính ngược từ thời gian đi ngủ. Nên ăn 2-3 tiếng trước khi lên giường đi ngủ để cơ thể xử lý gánh nặng tiêu hóa. Bạn cũng không nên nằm sau khi ăn và tránh các thức ăn quá khó tiêu, nhiều muối, dầu, đường trong bữa tối.
Thùy Linh (Theo Real Simple)