"Mang theo đĩa"
Liz, cô giáo tiếng Anh người Anh của tôi đến Australia đã hơn 20 năm. Thời gian đầu, cô được mời đi ăn tiệc và dặn “bring your plate” (Nhớ mang theo đĩa của bạn), thế là cô mang theo một cái đĩa để ăn. Liz cứ băn khoăn không hiểu chủ nhà thiếu đĩa hay sao mà bảo mình mang đĩa đến. Hóa ra "mang theo đĩa" là mang một món gì đó đến để chia sẻ với chủ nhà hoặc chủ bữa tiệc và mọi người, chứ không phải là một cái đĩa không. Người Australia không nói thẳng là "nhớ mang theo thức ăn" bởi đó là phép lịch sự.
Trong những bữa tiệc cuối năm do trường tổ chức, mỗi sinh viên quốc tế thường góp một món. Ai có gì mang nấy. Họ rất chịu khó nấu nướng và mang đến các món ăn mang hương vị của quốc gia mình, trong khi trường sẽ lo khoản đồ uống như bia, nước ngọt.
Những bữa tiệc trông thật thích mắt. Có món nọ món kia, món mặn, món chay, món ngọt, món nhạt. Người dự tiệc cũng thật thích mắt, với các màu da khác nhau, trang phục khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Tất cả cùng nói tiếng Anh và cùng để mắt canh chừng mấy con chim trắng mỏ dài lảng vảng đi lại và cướp thức ăn trên đĩa. Những con chim này đi tiệc chả bao giờ "mang theo đĩa" của mình cả.
Thỉnh thoảng, các sinh viên hứng chí đứng ra chủ trì tiệc và mời mọi người đến nhà tham dự. Mọi người xúm lại nấu nướng. Thế là có món lạp Thái, món bánh mỳ Venezuela, có món gà hầm kiểu Singapore, món dê cà ri kiểu Ấn…
Nếu bạn muốn góp món ăn Việt Nam thì đừng quên món nem quốc hồn, quốc túy. Nem rán hay nem cuốn tươi đều được bạn bè nước ngoài ưa chuộng. Đặc biệt, nem cuốn tươi có nhiều rau là món mà người Australia rất thích. Thức ăn Việt Nam được người Australia đánh giá là bổ dưỡng.
Tuy nhiên, một số người Australia không biết ăn nước mắm. Bạn có thể chế biến tương đậu đen của Trung Quốc, nấu lên sền sệt với nước cốt dừa, để thay thế. Món này dễ ăn, lại không dây mùi mắm ra tay mọi người.
Có một lưu ý nhỏ là các thực khách ở Australia rất đa dạng, khác nhau về tôn giáo và quốc gia. Tôi thường làm các món ăn từ gà và hải sản mà không làm thịt lợn, vì có một số người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Một số người bị dị ứng các loại đậu, trứng hoặc lạc, hay có rất nhiều người ăn chay, vì thế nhìn chung khi nấu ăn, bạn nhớ thông báo rõ thành phần trong món ăn để tránh sự phiền phức cho các thực khách.
BYO
Nếu trước khi đi dự tiệc, bạn được dặn “Bring Your Own” (BYO, tự mang theo đồ) thì sao? Thật ra "bring your own" là bring your own drink, tức là mang đồ uống của riêng bạn. Bạn có thể mang rượu hay nước ngọt, nước hoa quả hay nước lọc đều được.
Một số tiệm ăn ở Australia cũng đề chữ BYO. Với các quán này, bạn có thể tự mang đồ uống, kể cả rượu vang, nhưng bạn phải trả tiền phục vụ gọi là “corkage”. "Corkage" là phí được tính thêm vào do nhà hàng phải cung cấp cốc sạch cho bạn hoặc phục vụ rót rượu cho bạn.
Tiệc nướng BBQ
Món barbecue cũng rất nổi tiếng ở Australia. Barbecue có nghĩa gốc là thịt nướng, nhưng hiện giờ được dùng như một buổi tiệc gồm các món nướng, không chỉ là thịt.
Người Australia rất thích các hoạt động ngoài trời. Khu dân cư, khu vui chơi nào cũng có công viên. Công viên ở đây không những rộng mà nhiều nơi lại có cả bếp nướng. Ngày trước, mọi người thường nướng bằng củi và có người cung cấp củi cho các bếp nướng. Ngân sách thành phố chi trả hết cho các khoản này. Hiện giờ họ chuyển sang bếp nướng bằng điện. Một số công viên có bếp nướng BBQ và cả wifi miễn phí.
Dù barbecue là thịt nướng, trong một tiệc BBQ, bạn nướng gì cũng được, thịt gà, thịt bò, thịt cừu, thịt kangaroo, các loại xúc xích, tôm, cá, bí đỏ, nấm, khoai tây, hành tây và nếu bạn thích thì có thể dùng cả thịt băm bún chả.
Khi được mời dự tiệc BBQ, bạn cũng nên hỏi xem có cần mang gì đến góp không. Ở một số tiệc BBQ do sinh viên tổ chức, thường mỗi người được phân công mang một vài thứ. Người được phân công giữ bếp nướng là quan trọng nhất. Dù nhiều bếp nướng nhưng những ngày đông đúc, mọi người cũng phải xếp hàng mới có bếp nướng để dùng.
Khi tổ chức tiệc nướng ở chỗ công cộng, người chủ trì khéo léo cũng có thể làm chín sơ qua một số đồ để đem đến nướng lại trên bếp, giảm thời gian nướng và tăng thời gian chơi.
"Kitchen Cabinet"
Annabel, người phụ nữ là tác giả đồng thời là người dẫn "Kitchen Cabinet" đã viết ra một chương trình truyền hình rất hay. Bà đến nhà các chính trị gia để được họ nấu một món ăn. Trong khi nấu ăn và thưởng thức món ăn, họ trò chuyện với nhau về những điều liên quan đến cuộc sống, quan điểm, công việc của các chính khách, người nổi tiếng này.
Nhân dịp bầu cử ở Australia, tôi xem cả hai chương trình bà đến thăm hai nhân vật đang tranh cử vị trí thủ tướng Australia lúc đó là Kevin Rudd và Tony Abbott. Hai chương trình này đều rất ấn tượng.
Kevin thì nướng một món bánh với công thức của mẹ ông ấy. Công thức viết tay trên giấy, được lưu giữ như kỷ vật của gia đình. Tony (sau này thành thủ tướng) thì đãi món BBQ thịt và cá nướng. Cả hai ông đều tự nấu và có sự trợ giúp một chút của các cô con gái. Bản thân Annabel cũng "mang theo đĩa" của bà. Bà vẫn thường mang một món bà tự làm đến nhà các vị khách.
Khi Tony Abbott nấu ăn cho Annabel xong, ông còn cảm ơn bà đã đến thăm và nhận việc dọn dẹp cũng như rửa bát.
Bùi Thu Thủy
Mời các độc giả chia sẻ về những món ăn và ẩm thực ở nơi bạn sinh sống. Gửi bài viết tại đây hoặc về địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com. Độc giả vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.