Người nhà cho biết bà có tiền sử tăng huyết áp, viêm đa khớp, điều trị không theo đơn, đã phẫu thuật thay khớp háng hai bên. Trước khi vào viện, bà đau bụng dữ dội sau khi ăn thịt lợn nhưng không đi khám, ở nhà tự uống thuốc.
Ngày 11/7, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng ruột, viêm ruột hoại tử, tình trạng rất nặng. Nguyên nhân do nhiễm độc tố từ vi khuẩn Clostridial perfingens trong thịt lợn bị nhiễm bệnh.
"Viêm ruột hoại tử là bệnh thường gặp hơn ở trẻ em, ở người lớn rất hiếm gặp", bác sĩ nói. Bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền, đang điều trị corticoid kéo dài lại đến viện muộn nên nhiều biến chứng. Ổ bụng bệnh nhân nhiều dịch mủ, hoại tử ruột non, nếu không cắt thì có thể phát sinh ổ hoại tử mới.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định cắt đoạn ruột non dài 80 cm, làm hậu môn nhân tạo và xử lý tình trạng nhiễm trùng cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe, không ăn thực phẩm sống như nem chua, thịt tái, rau sống không bảo đảm vệ sinh. Không ăn tiết canh và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn có màu đỏ khác thường như xuất huyết hoặc phù nề. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết.
Khi có các dấu hiệu đau bụng, nôn, bí trung đại tiện kèm các triệu chứng như sốt, mệt mỏi... phải nhanh chóng vào bệnh viện để điều trị kịp thời.
Minh An