Tết vui đâu chỉ nhờ 'ăn'
Nói về Tết, người Việt thường gọi chung là "ăn Tết", nhưng gắn liền với Tết đâu chỉ có chuyện ăn mà còn "chơi Tết", "sắm Tết", "vui Tết"..., cùng nhiều điều ý nghĩa bên bạn bè, người thân.
Sách Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm) đề cập, lễ tết gồm hai phần: cúng tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối (hội). Tết là phải ăn - "ăn Tết".
Người Việt Nam có câu "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết". Ngày xưa, cuộc sống quanh năm thiếu thốn, bữa cơm thường đạm bạc, chỉ mong đến Tết mổ lợn mổ gà làm mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau cho con cháu thụ lộc. Có những món ăn chỉ đến Tết mới có nên chuyện bếp núc dịp này rất quan trọng.
Mâm cỗ Tết ngày nay vẫn có giá trị, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhưng một số người đặt nặng chuyện "ăn" mà quên mất Tết là kỳ nghỉ của tất cả mọi thành viên trong gia đình, là quãng thời gian vui vẻ trong năm. Bởi vậy mới có việc tủ lạnh ê hề bao thức ăn thừa, phụ nữ trong nhà vẫn phải tất bật với điệp khúc nấu nướng - ăn uống - dọn dẹp.
Với nhiều người, vui Tết ý nghĩa hơn đủ đầy mâm cỗ
Ấn tượng về Tết với chị Ngọc Quỳnh (Châu Thành, Tiền Giang) là những ngày dậy thật sớm phụ mẹ chuẩn bị cúng kiếng cho 7 bàn thờ gia tiên. Thức ăn cũ chưa hết vẫn phải nấu món mới cho đúng truyền thống, khi ngơi tay thì cũng tới ngày con cháu chuẩn bị về lại thành phố cho một năm mới tất bật. Chị mong mẹ có nhiều thời gian vui vầy bên con cháu, điều đó ý nghĩa hơn là ê hề món ăn ngày Tết.
Cảm nhận về Tết của người trẻ ngày nay đã thay đổi, chuyện ăn chẳng còn mấy quan trọng. Tết là lúc những người con xa quê chộn rộn trở về đoàn tụ cùng gia đình, tạm gác lại áp lực cơm áo gạo tiền, chỉ mong thảnh thơi ngồi bên người thân yêu, cùng chia sẻ những thăng trầm trong năm cũ, đi chúc Tết bạn bè, họ hàng...
Anh Hùng Dũng (quê Bình Dương) kể rằng anh thích cùng cả nhà đi chợ Tết, hòa mình vào dòng người, cảm nhận cái hối hả đầy náo nhiệt của không khí ngày xuân với đủ thanh âm rộn ràng, hít hà cái hương vị Tết thoang thoảng. Rồi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, tìm thấy những món đồ thất lạc và những mẩu ký ức tươi đẹp của gia đình cất đâu đó trong album ảnh hoặc những chiếc hộp.
Trong thời khắc đất trời chuyển giao năm cũ và năm mới, gia đình sum vầy chắp tay thành kính trước bàn thờ, thắp nén nhang mời ông bà tổ tiên về, cùng nâng ly chúc một năm mới thuận lợi, tràn đầy sức khỏe. Nhiều người chợt nhận ra không chỉ ăn uống, mỗi dịp ngồi lại bên nhau ôn lại những câu chuyện xưa, kỷ niệm đẹp, chứ có ai nhắc đến Tết năm trước mình ăn gì.
Làm gì để hưởng Tết trọn vẹn? Bộ phim Tết 2019 mới nhất của OMO và nghệ sĩ Huỳnh Lập sẽ tìm lời giải đáp cho những trăn trở thường thấy trong mỗi gia đình Việt Nam.
Sự trở lại của gia đình Huỳnh Lập năm nay không dừng lại ở khung cảnh bữa cơm ngày Tết thường thấy, với món thịt kho trứng mà Lập thích mê, khổ qua xào trứng mà ba ưng ý và dưa hấu đỏ - món khoái khẩu của út Như. Bộ phim mang đến nhiều bất ngờ thú vị khi mẹ không muốn gia đình chỉ "ăn Tết". Nếu vậy gia đình Huỳnh Lập sẽ làm gì? Thử thách nào từ mẹ đang đợi ba cha con Tết này? Mẹ sẽ đổi mới chuyện "ăn Tết" của cả gia đình thế nào?
Gia Nguyên