Người nhà đưa chị đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, cấp cứu. Người bệnh từng thay van tim sinh học năm 2018, uống thuốc chống đông thường xuyên. Tuy nhiên, những ngày Tết vừa qua, bệnh nhân quên, uống thuốc không đều so với chỉ định của bác sĩ.
Khi vào viện, bệnh nhân tiếp xúc chậm, da niêm mạc nhợt, nói khó, đau tức ngực trái, có các triệu chứng đột quỵ não trên nền suy tim, chẩn đoán đột quỵ do tắc động mạch não giữa phải. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch.
Sau can thiệp ngày 23/2, người bệnh phục hồi tay, tự nâng lên và tự cử động đầu ngón chân, bàn chân. Dần dần người bệnh đi lại được và tỉnh táo hoàn toàn, tiếp tục theo dõi tại Đơn vị Điều trị tích cực. Kết quả chụp hình ảnh kiểm tra sau 24 giờ can thiệp cho thấy vùng nguy cơ thiếu máu sau tái thông có hình ảnh tưới máu như nhu mô não bình thường.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đột quỵ do thiếu máu, nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80-85% ca đột quỵ não. Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não nếu không được tái thông kịp thời, để lại các di chứng nặng nề.
Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Phó trưởng Đơn vị Điều trị Thần kinh - Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ, cho biết đột quỵ do thiếu máu cấp hay còn gọi là nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cung cấp máu, nguyên nhân thường do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Hậu quả là bệnh nhân có nguy cơ bị phù não - một biến chứng thần kinh cấp tính, dẫn tới làm tăng áp lực nội sọ, làm giảm áp lực tưới máu não, có thể gây tụt, kẹt não gây nguy hiểm tới tính mạng.
"Ở bệnh nhân này, nguyên nhân dẫn tới đột quỵ do uống thuốc chống đông không đều", bác sĩ cho biết.
Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch cần được thăm khám thường xuyên, trường hợp duy trì thuốc uống thuốc chống đông phải đều đặn. Bên cạnh đó, những trường hợp có biểu hiện lâm sàng đột quỵ cần ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.