Ngày 1/3, VFF đã đưa ra bản án kỉ luật được coi là nặng nhất từ khi V-League trở thành giải đấu chuyên nghiệp, theo đó hậu vệ Đình Đồng của SLNA phải nộp phạt 20 triệu và cấm tham gia mọi hoạt động của bóng đá Việt Nam cho đến hết năm 2014. Như vậy, Đình Đồng sẽ không được tham dự nốt những trận còn lại ở V-League cũng như những trận có tuyển Việt Nam thi đấu.

Nguyễn Anh Hùng nghỉ thi đấu từ 6 đến 8 tháng sau pha va chạm với Đình Đồng. Ảnh: Lê Giáp.
Rất nhiều CĐV đồng tình với quyết định của VFF bởi tình trạng bạo lực ở V-League đang tràn lan và rất nhức nhối. Thậm chí khi phát sóng trên TV, biên tập viên phải khuyến cáo rằng: “Đây là hình ảnh bạo lực, trẻ em và những người nhạy cảm không nên xem!”. Nhưng ban huấn luyện (BHL) SLNA thì lại không cho như vậy, cái cớ của BHL đưa ra đó là sự vô lý bởi tình huống đó chỉ là pha “ham bóng” và VFF đang xử ép họ.
Không hiểu “ham bóng” hay quan liêu ở đâu nhưng khi chứng kiến pha vào bóng đó thì chính những người trong cuộc cũng phải hoảng hốt, lo sợ thay cho cầu thủ bị phạm lỗi. Hoặc cũng có thể tình huống đó BHL đội bóng đã quá quen và cảm thấy rất bình thường nên họ cho rằng chẳng đáng để phạt như vậy.
Khi bạo lực 'giải quyết mọi vấn đề'
Bóng đá là một môn thể thao đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Sự phát triển của bóng đá đồng nghĩa với sự phát triển của xã hội. Chẳng khó để người ta nhận ra điều đó, tính xã hội trong bóng đá luôn tồn tại song song và nó khiến bóng đá là một xã hội thu nhỏ đúng nghĩa.
Xã hội bóng đá ấy có đủ thứ từ quý mến, yêu thương, ganh tị, ghen ghét, chà đạp lên nhau. Khi người ta quý nhau thì chẳng có vấn đề gì xảy ra, mọi chuyện vẫn bình thường như vốn dĩ nó phải vây. Nhưng ngược lại, khi ghét nhau, cạnh tranh nhau để tồn tại thì bạo lực lại là yếu tố được lựa chọn đầu tiên để giải quyết vấn đề.
Thật dễ dàng để chứng minh điều đấy, khi tình trạng bạo lực của rất nhiều đội V-League diễn ra càng ngày nhiều và tính chất, độ nguy hiểm càng tăng. Rất nhiều đội chọn phương pháp bạo lực là hình thức răn đe, hù dọa đối thủ. Tất nhiên, đội còn lại cũng chẳng vừa và cũng chẳng dễ bị chịu trận. Sự phản kháng như bản năng khiến mức độ bảo lực ngày càng tăng.
Văn hóa, ý thức cầu thủ sẽ được cải thiện
Sau ba pha va chạm điển hình và hàng loạt trận đấu bạo lực khiến HLV phải than trời, thì VFF đã ra quyết định rất mạnh tay như muốn chấn chỉnh lại các cầu thủ, đội bóng muốn dùng lối đá thực dụng để chiến thắng. Tuy nhiên, án phạt với Đình Đồng đưa ra chỉ mang tính chất răn đe và chỉ làm mờ đi cái bề nổi. Cái ẩn sâu bên trong, bề chìm đó là sự thiếu văn hóa, ý thức của cầu thủ, của hệ thống đào tạo trẻ các CLB.
Chắc hẳn người hâm mộ còn nhớ pha vào bóng ác ý của trung vệ Văn Khánh trong trận đấu có tính chất giao hữu ở cúp Nutifood, cho dù tình huống đó là ham bóng nhưng ngay lập tức, BHL đội bóng đã quyết định loại Văn Khánh ra khỏi đội trong đợt tập huấn, đồng nghĩa cơ hội cho Khánh trở lại đội là không cao.
Chỉ là một trận đấu giao hữu nhưng người ta lại thấy cách hành xử khéo léo của BHL. Một là răn đe các cầu thủ còn lại, hai là giáo dục ý thức tránh xa thứ bóng đá thô bạo. Răn đe có thể là biện pháp hữu hiệu ngay tại thời điểm đó, nhưng giáo dục mới là biện pháp toàn diện và lâu dài.
Vài ngày trước, quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng: “CĐV, người hâm mộ đang cường điệu hóa bạo lực”. Nhưng xin thưa, nếu không dập tắt từ gốc rễ thì chẳng lấy gì đảm bảo vài tháng nữa lại có những pha bạo lực còn hơn thế.
>> Xem thêm:V-League chỉ 3 tuần: 1 gãy xương sườn, 2 gãy chân/ VTV1 khuyến cáo cân nhắc trước khi xem những hình ảnh bạo lực tại V-League
Tùng Trịnh
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá Việt Nam tại đây.