''Sách Tết Giáp Thìn 2024" là tuyển tập tác phẩm từ 60 tác giả, họa sĩ, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn. Ảnh: Đông A Ấn phẩm gồm năm phần: ''Khúc dạo đầu của mùa xuân'', ''Văn'', ''Thơ'', ''Nhạc'' và ''Họa''. Trong chương đầu, bạn đọc được hồi tưởng không khí đón Tết ở làng quê Bắc Bộ. Hai phần ''Văn'' và ''Thơ'' gửi gắm những cảm nhận về mùa xuân. Đó là nỗi lòng người Việt xa xứ hay thói quen tắm lá mùi già của các gia đình vào chiều 30 Tết. Ở chương ''Nhạc'' gồm những khúc hát mùa xuân nổi tiếng như ''Cánh én tuổi thơ'' (Phạm Tuyên), ''Ru em từng ngón xuân nồng'' (Trịnh Công Sơn), lời bình do Nguyễn Thị Minh Châu thực hiện. Phần cuối giới thiệu họa sĩ tuổi Thìn - Nguyễn Trung với các sáng tác về thiếu nữ Việt Nam, chất liệu sơn dầu. Giải Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên từ năm 2004, tên ban đầu là Sách Việt Nam. Từ năm 2018, giải có tên Sách Quốc gia. Năm ngoái, hai tác phẩm đoạt giải A là bộ ''Chào tiếng Việt'' (Thụy Anh) và ''Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển'' (Bùi Công Quế chủ biên, Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh đồng tác giả). Nhà văn Võ Quang Tiến ra mắt hồi ký chiến trường ''Chảo lửa bất tử'' năm 2023, kể năm tháng chiến đấu của người lính tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Là một trong số người trở về từ ''chảo lửa'' ấy, tác giả ghi lại những khoảnh khắc mà ông không thể quên. Qua đó, người đọc hình dung đằng sau tinh thần chiến đấu sục sôi là nỗi sợ của những thiếu niên còn nhiều hoài bão, là mối tình chớm nở nhưng phải chia ly vì chiến tranh. ''Những người muôn năm 'chưa' cũ'' của nhà văn Trần Thị Trường xuất bản năm ngoái, phác họa 60 gương mặt có ảnh hưởng nhất định với nền văn hóa nghệ thuật Việt mà tác giả từng gặp gỡ, trò chuyện. Đó là ca sĩ Lê Dung, Thanh Lam, Mỹ Linh, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Thụ, những nhà thơ Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh. Ví dụ, tác giả viết về nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: "Không chỉ kỹ lưỡng khó tính trong thơ, chị khó với tất cả những gì xung quanh chị, trừ với bạn''. Bà mô tả ca sĩ Lê Dung: "Giữa thực và ảo đôi khi Lê Dung không làm chủ được. Chỉ làm chủ tiếng hát của mình khi bước vào phòng thu và trên sân khấu. Dung có thể làm tan vỡ cuộc đời mình cũng bằng sự bồng bột và ngộ nhận về người khác... Chỉ với âm nhạc là điều Lê Dung vô cùng nghiêm túc và nghiêm khắc với chính mình". Bản dịch ''Tiếng gọi của dân cày'' (Khachik Dashtents) của Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Đức Mẫn, Trần Bích Thư ra mắt năm 2023. Sách gồm ba phần, miêu tả thảm kịch của người Armenia miền Tây trong Thế chiến Thứ Nhất, phản ánh quan điểm lịch sử và nghệ thuật của tác giả. Trong ''Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông'', giáo sư Nguyễn Khuê phân tích sâu về cảm xúc mà Tương An gửi vào vần thơ. Tương An quận vương là bút hiệu của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Bửu (1820-1854), người văn võ song toàn, có nhiều bài thơ chữ Hán và Nôm, trong đó thơ chữ Nôm do ông viết đạt nhiều dấu ấn. Sau khi qua đời, tác phẩm của Tương An quận vương bị thiêu hủy nhiều, còn lại thiếu người khắc in, diễn dịch, khiến tên tuổi ông gần như bị lãng quên. Viết lời tựa, cố giáo sư Bửu Cầm nhận định ấn phẩm là một công trình nghiên cứu biên khảo công phu, hữu ích và cần thiết cho việc nghiên cứu văn học triều Nguyễn. ''Nguyễn Bính - hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp'' do nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chấp bút có tám phần, với loạt bài tiểu luận, phê bình, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính. Tác giả dành ít trang đề cập xuất thân, học vấn, quãng đời lưu lạc, quá trình ông Nguyễn Bính tham gia cách mạng, làm báo, viết thơ, sau đó phân tích ''hồn dân tộc'' trong thơ Nguyễn Bính bằng những cảm nhận mang tính đồng điệu. Bộ sách ''Tổng tập Nhà văn Quân đội'' có năm tập, khoảng 3.000 trang in, là kỷ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả tiêu biểu trong các thế hệ nhà văn chiến sĩ của cả nước. Ấn phẩm được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức biên soạn, in ấn, dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm tri ân người lính và những tác giả dành cả đời cho dòng văn học chiến tranh. ''Tổng tập Nhà văn Quân đội'' thuộc 10 sách nổi bật năm 2023, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh. Phương Linh Ảnh: NXB Văn học