"Thật sự tôi cũng không có khả năng kỳ lạ gì đâu. Tôi có thể ăn ớt như... ăn trái cây, ăn đến "no" thì thôi, chỉ đơn giản vì tôi không hề thấy cay" - anh Vinh phân bua. Cầm lên hơn chục trái ớt, trong đó có ớt cao sản và ớt sim (hai loại mà theo nhiều người là chỉ cần nghe mùi đã thấy cay), anh cho vào miệng ăn một cách ngon lành, không cần uống nước hay sử dụng bất cứ biện pháp "chữa cháy" nào mà thần sắc không một chút thay đổi.
Chưa hết, vừa ăn, anh Vinh vừa bẻ đôi trái ớt còn lại trong rổ chà lên mặt, lên cổ, lên bắp tay... trong sự ngạc nhiên và thích thú của mấy đứa con. Hơn 15 phút sau, vùng da bị chà ớt vẫn không có một chút phản ứng nào, dù ửng đỏ. Một người đến xem thử lấy một trái ớt trong rổ, cắn một tí, nước mắt đã lưng tròng, miệng cay xè; lấy ớt chà thử vào vùng da tay thì chỉ hơn 1 phút sau, da đỏ ửng và nóng ran, đến hơn nửa tiếng sau mới hết.
Chị Hoa, vợ anh Vinh cho biết trong bữa ăn hằng ngày, không khi nào anh hỏi đến ớt, cũng rất ít khi ăn ớt. Thức ăn có ớt hay không cũng chẳng bao giờ anh ý kiến. Anh Vinh kể, lúc trước khi còn đi rừng, có anh bạn đồng hành cứ đến bữa cơm mà không có ớt là ăn không nổi nên hay đi hái trộm ớt của người dân vùng núi. Thấy vậy anh buột miệng: "Ăn chẳng bao nhiêu mà trộm làm gì cho cực, tui ăn còn hơn ông mà có bao giờ như vậy đâu". Tức khí, anh bạn thách đấu, ai thua thì phải cõng gùi cho người kia. Kết quả hẳn mọi người đã đoán ra...
Trong gia đình anh Bùi Ngọc Vinh có 9 anh em, nhưng cả nhà và con cháu sau này không ai khác có khả năng ăn ớt đặc biệt như vậy, ngoại trừ người em kế là anh Bùi Ngọc Khánh. Lúc nhỏ, Vinh và Khánh thường xuyên bị chết giả (động kinh), đến nỗi chỉ cần anh đang chơi hay đang cầm vật gì mà bị ai đó lấy đi thì sẽ "chết" ngay lập tức.
Tuy có thể ăn ớt vô tư mà không hề cảm giác cay, nhưng chỉ cần một tép tỏi nhỏ cũng đủ khiến mắt anh Vinh "rưng rưng": "Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên về chính mình, ăn ớt dù có cay đến đâu tôi cũng không có cảm giác, vậy mà ăn tiêu hay ăn tỏi là tôi thấy cay liền, đặc biệt là tỏi". Điều khác lạ này đôi lúc làm anh phân vân, không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không.
Trao đổi về khả năng ăn ớt của anh Vinh, một số nhà chuyên môn đang công tác ở khoa Sinh Đại học Khoa học Huế và Đại học Y khoa Huế đều cho rằng, đây là trường hợp đặc biệt mà từ trước đến giờ họ chưa từng gặp phải. Theo một số người, hiện tượng này có thể là do các thụ cảm thể tiếp nhận thông tin không hoạt động (một khâu nào đó trong khung phản xạ không hoạt động) hay sự mẫn cảm của người này không cao... Và để có một kết luận chính xác, cần kết quả nghiên cứu thử nghiệm, nghĩa là phải đợi đến khi các nhà chuyên môn vào cuộc.
(Theo Thanh Niên)