Nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) và truyền thông địa phương tối 10/4 cho biết phải mất một ngày mới xác định được số người chết trong cuộc trấn áp ở thị trấn Bago hôm 9/4 vì lực lượng an ninh chất thi thể trong khuôn viên chùa Zeyar Muni và phong tỏa khu vực.
Một đoạn video cho thấy người biểu tình cầm súng trường tự chế, nấp sau hàng rào bao cát, phía sau là những tiếng nổ. Một người dân nói rằng chính quyền từ chối cho nhân viên cứu hộ đến gần các thi thể.
"Họ chất tất cả thi thể lên xe tải của quân đội và chở đi", ông nói.
Myanmar Now cho biết lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng, gồm súng phóng lưu, từ rạng sáng ngày 9/4 và tiếp tục trong buổi chiều, khiến 82 người thiệt mạng. "Như một cuộc diệt chủng, Họ bắn vào mọi thứ", hãng tin này dẫn lời người tổ chức biểu tình Ye Htut nói.
Theo các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người dân trong thị trấn đã bỏ trốn.
Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin trên, trong khi tờ New Light của quân đội đưa tin cuộc trấn áp diễn ra do "những kẻ bạo loạn" và chỉ có một người chết.
Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Myanmar cho biết đang theo dõi vụ trấn áp ở Bago, nơi những người bị thương không được phép điều trị y tế. "Chúng tôi kêu gọi lực lượng an ninh cho phép các đội y tế điều trị cho người bị thương", văn phòng cho hay.
Theo AAPP, 618 người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Zaw Min Tun, hôm 9/4 nói rằng họ ghi nhận 248 dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng, đồng thời khẳng định lực lượng an ninh không sử dụng vũ khí tự động.
Chính quyền quân sự nói rằng các cuộc biểu tình phản đối đảo chính đang giảm dần vì người dân muốn hòa bình và quân đội sẽ tổ chức bầu cử trong vòng hai năm. Trong khi đó, các nghị sĩ bị lật đổ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động chống lại quân đội.
"Người dân của chúng tôi sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để giành lại quyền và tự do của họ", Zin Mar Aung, người đã được bổ nhiệm làm quyền ngoại trưởng cho nhóm nghị sĩ bị lật đổ, nói, đồng thời kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an sử dụng cả áp lực trực tiếp và gián tiếp lên chính quyền quân sự.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)