Thông tin được tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia đưa ra tại hội nghị khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm diễn ra tại Hà Nội ngày 19/12. “Đây là một trong những thách thức của công tác dinh dưỡng trong giai đoạn tới. Đặc biệt tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ gia tăng nhanh ở cả thành thị và nông thôn. Tỷ lệ này chung cho cả nước là 5,6%; trong khi mức ở thành thị là 6,5%, còn ở nông thôn là khoảng 4%”, tiến sĩ Tuyên nói.
Thực trạng này ở người trưởng thành 20-74 tuổi cũng ở mức cao. Nếu tính chỉ số khối cơ thể BMI từ 23 trở lên thì tỷ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc là 26%, riêng thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM lên đến 40%. Có khoảng 40-50% người bị mỡ máu cao, nền tảng của các bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch, cao huyết áp...
Tiến sĩ Tuyên cho biết, căn nguyên của tình trạng này là chế độ ăn quá dư thừa năng lượng, nhiều chất béo, bột đường, đạm và lối sống ít vận động. Trong thời gian qua, cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn người Việt có sự thay đổi rõ rệt. Mức ăn thịt tăng lên rất nhanh, từ 11 g bình quân đầu người một ngày vào thập kỷ 1980 lên 84 g như hiện nay. Bên cạnh đó rau xanh, quả chín có tăng lên nhưng rau xanh tăng không được như kỳ vọng.
“Nếu nhìn vào khẩu phần ăn của người Nhật trong 40 năm qua thì có thể thấy lượng lipid ăn vào hầu như không thay đổi. Cá và hải sản tiêu thụ cao hơn thịt rất nhiều, gạo ăn giảm đi, rau ở mức rất cao. Điều này có một phần ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của Nhật Bản, trong số các nguyên nhân gây tử vong thì tim mạch không phải là căn nguyên hàng đầu như ở Việt Nam”, tiến sĩ Tuyên nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, mức tiêu thụ rau hằng ngày của người Việt thấp, chỉ khoảng 200 g trong khi nhu cầu người trưởng thành ít nhất phải là 300 g. Những thức ăn giàu năng lượng như: gà rán, thịt rán, bánh rán chuối... lại được tiêu thụ nhiều. Một chiếc bánh chuối rán cung cấp ít nhất 150-200 kcal năng lượng. Tuy nhiên, phải đi bộ 1-1,5 giờ mới tiêu thụ hết lượng kcal này.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, lối sống tĩnh tại cũng làm tăng nguy cơ bị béo phì. Người lớn làm việc văn phòng ngồi nhiều, ít thời gian luyện tập thể thao, không đi bộ, đi xe đạp nhiều như trước... Trong khi đó, trẻ nhỏ không chạy nhảy vận động như xưa mà ngồi đọc truyện, chơi máy tính... Hậu quả của tình trạng thừa cân béo phì rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như: tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh ung thư..., tiến sĩ Lâm cho biết.
Bên cạnh thừa cân, béo phì thì vẫn còn tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi. Theo tiến sĩ Lê Danh Tuyên, tình trạng dinh dưỡng này ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi 3 tuổi trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì khi lớn trẻ không thể đạt được chiều cao như có thể. Nếu bé không bị suy dinh dưỡng thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt được là 1,7 m, nhưng nếu bị thấp còi thì cao nhất cũng chỉ là 1,58 cm.
“Trẻ sinh ra nhỏ bé thì mãi sau này lớn lên cũng trở thành người nhỏ bé và không thể sửa chữa được khuyết điểm của suy dinh dưỡng thấp còi. Việc chăm tốt cho trẻ từ khi thụ thai đến 2 tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì đang đan xen nhau, là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính”, tiến sĩ Tuyên khuyến cáo.
Nam Phương