Họ ăn nấm hái từ rừng về nhà ăn, 10 ngày trước. Hôm sau, cả 5 người, gồm bố mẹ và người bác, hai trẻ 3 và 5 tuổi, đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi, nhập viện. Một cháu ngộ độc nặng tử vong, một cháu nhẹ hơn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Ba người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 20/7, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chẩn đoán các bệnh nhân ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin, suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu, mạch rất chậm.
Trong đó, hai bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng, máy không định lượng được, suy gan, chỉ số men gan cao nhất khoảng 8.000 UI/L, suy thận, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương hai lần một ngày nhưng tình trạng cải thiện rất chậm. Hai người tử vong đêm 19/7.
Bệnh nhân còn sống là người vợ, sau khi thay huyết tương, giải độc bằng thuốc đặc hiệu giải độc gan, men gan còn 500 UI/L và đang có xu hướng cải thiện, tình trạng ổn hơn.
Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc nấm có hai dạng là ngộ độc nhanh và ngộ độc chậm. Ngộ độc nhanh là sau khi ăn dưới 6 giờ xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Với loại nấm gây ngộ độc nhanh, cơ sở y tế tuyến dưới vẫn kiểm soát điều trị tốt, bệnh nhân phục hồi nhanh.
Nguy hiểm hơn là các loại nấm gây ngộ độc chậm, phổ biến loại chứa độc tố amatoxin gây tổn thương gan, suy gan. Sau khi ăn, độc tố biểu hiện chậm, sau 6 tiếng, thậm chí 24 tiếng mới có biểu hiện. Lúc đó độc tố đã ngấm vào trong cơ thể. Phát hiện muộn, độc tố có độc tính càng cao, điều trị rất khó và phức tạp.
Bác sĩ Nguyên cho rằng nhiều người nghĩ cây cỏ, lá, thảo mộc tự nhiên là an toàn, lành tính, song thực tế rất nhiều loại có độc. Loại nấm trông ngon, hấp dẫn, lành tính nhất lại là loại độc nhất. Do đó bác sĩ khuyến cáo không hái các loại nấm hoang dại để ăn. Giới chức địa phương cần tuyên truyền đến người dân về tác hại của nấm độc.
Lê Nga