Chiều 15/7, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau bụng quằn quại vùng quanh rốn, thượng vị; nôn nhiều, nôn ra dịch vàng nâu, bụng trướng nhẹ, ấn thượng vị đau. Anh được chỉ định rửa dạ dày cấp cứu; sau đó chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc mật cá trắm.
Người nhà cho biết, anh hay ăn mật cá trắm như một vị thuốc vì sau ăn không có dấu hiệu bất thường.
Theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cá trắm chia thành hai loài; cá trắm đen (mylopharyngodon piceus) và cá trắm trắng (ctenopharyngodon idellus). Độc tố chính trong mật cá trắm là một alcol steroid.
Uống mật cá trắm là đã đưa vào cơ thể một lượng lớn steroid gây rối loạn chuyển hóa các bộ phận của cơ thể và gây độc, đặc biệt đối với thận và gan. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng ăn phải. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau hai ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Sau khi uống mật cá trắm 2-3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng. Nặng hơn, người bệnh có thể bị đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy nhiều, sau đó bị phù do suy thận cấp... Có bệnh nhân đã rơi vào tình trạng khó thở, hôn mê và tử vong.
Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Bác sĩ khuyên người dân không nên dùng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Hà An