Việc ghi nhận và định hướng phát triển, sử dụng án lệ như thế nào cho phù hợp với điều kiện nước ta đã được các chuyên gia bàn luận sôi nổi tại hội thảo về phát triển án lệ do TAND Tối cao tổ chức ngày 10-11/1.
Đề án phát triển án lệ nêu: Sửa đổi, bổ sung Điều 134 của Hiến pháp theo hướng TAND Tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và ban hành án lệ. Cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung Điều 19 Luật Tổ chức TAND về chức năng “ban hành án lệ” của TAND Tối cao và bổ sung nguyên tắc này vào các văn bản pháp luật khác…
Các chuyên gia trong và ngoài nước chỉ ra rằng một số nước theo hệ thống thông luật như Anh, Mỹ, Hà Lan, Australia, Indonesia… thừa nhận án lệ trên thực tế nhưng không có văn bản cụ thể nào ghi nhận. Theo đó, TAND Tối cao ban hành những phán quyết làm thành án lệ để tòa địa phương làm theo. Các chủ thể khác như luật sư, giảng viên luật… phải tôn trọng. Cứ như vậy, án lệ dần dần trở thành một bộ phận của pháp luật và rất phát triển. Chẳng hạn ở Mỹ, tiền lệ pháp và án lệ có vai trò quyết định trong hệ thống pháp luật, tác động tới mọi khía cạnh và đối tượng liên quan. Ở Australia, tòa án cấp dưới phải tuân theo quyết định của tòa cấp trên và các tòa cấp trên cũng phải tuân thủ các quyết định trước đây của mình…
![]() |
Án lệ không hạn chế tính độc lập mà còn tăng thêm tính sáng tạo cho thẩm phán. |
PGS-TS Đỗ Văn Đại (ĐH Luật TP HCM) cho rằng định hướng trên là cơ sở pháp lý cần thiết để ghi nhận án lệ là một nguyên tắc trong luật. Ngoài ra, cần ghi nhận thêm trong Điều 3 Bộ luật Dân sự nội dung: Trong trường hợp không có quy định tập quán và không có khả năng áp dụng tương tự pháp luật thì được áp dụng hướng giải quyết của TAND Tối cao trong các vụ việc tương tự đã được công bố. Cần quy định luôn ba trường hợp thừa nhận án lệ là khi các văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, văn bản còn chung chung không rõ ràng và các văn bản luật chồng chéo.
Theo ông Đại, thực tế cho thấy việc ghi nhận án lệ với điều kiện hiện tại của Việt Nam là phù hợp vì luật thành văn và án lệ không có quan hệ loại trừ nhau. Án lệ cũng không loại trừ tính độc lập trong xét xử của thẩm phán theo cải cách tư pháp. Bởi nếu quá trình xét xử, thẩm phán có những nhận định, phân tích khác thuyết phục được hội đồng tuyển chọn án lệ thì bản án đó có thể trở thành án lệ. Lúc này, án lệ không hạn chế tính độc lập mà còn làm tăng thêm tính sáng tạo cho thẩm phán.
Ông Đại góp ý về định hướng phát triển án lệ, các quyết định giám đốc thẩm dùng làm án lệ phải có nội dung khái quát cao về pháp lý đồng thời cũng phải có viện dẫn văn bản làm cơ sở xử lý. Thứ nữa, các bản án làm án lệ phải tăng thêm phần lập luận vì hiện nay nhìn chung các quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao đều ít lập luận.
TS Nguyễn Văn Nam (khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân) bổ sung, án lệ trước đây là nền tảng trong hệ thống luật Anh, Mỹ nhưng hiện các nước theo hệ thống luật thành văn đã áp dụng nhiều. Khái niệm về án lệ giờ đây đã rất gần gũi. Không cần phải định nghĩa cụ thể vì thực chất án lệ là vận dụng một vụ án cụ thể vào giai đoạn sau đó. Chỉ cần người sử dụng lý giải được sự vận dụng đó xuất phát từ những nguyên tắc pháp lý quan trọng…
Về việc sử dụng án lệ, đề án của TAND Tối cao nêu chỉ coi án lệ là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật khi xét xử. Tòa được khuyến khích viện dẫn án lệ nhưng không có nghĩa là lấy nó làm cơ sở pháp lý cho bản án mà phải dựa trên cơ sở pháp luật.
TS Nam cho biết phải từng bước nâng cao tư duy pháp lý về án lệ cho thẩm phán và giới luật sư, luật gia. Cạnh đó phải quy định các biện pháp chế tài nếu thẩm phán cố tình không sử dụng hoặc không tôn trọng án lệ. Chẳng hạn nếu một thẩm phán thường xuyên không làm theo án lệ, đưa ra các quyết định sai bị hủy nhiều lần thì sẽ bị cân nhắc khi tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, cũng nên hiểu theo cơ chế mở là nếu thẩm phán lập luận khác với án lệ nhưng lập luận đó đúng, phù hợp với hoàn cảnh mới thì phải ghi nhận, thậm chí lấy nó làm án lệ mới. Lúc này phải có chính sách khen thưởng cho thẩm phán làm ra án lệ mới thay cho cái cũ đã lỗi thời…
Theo ông Michael Moore, nguyên thẩm phán Tòa án Liên bang Australia, vai trò của các luật sư trong việc tìm kiếm, cung cấp các án lệ cho thẩm phán là rất quan trọng. Theo đó, trong quá trình tranh tụng để thuyết phục được tòa theo ý mình, luật sư phải dùng một hoặc nhiều án lệ để chứng minh. Trên cơ sở đó, thẩm phán sẽ tìm ra án lệ nào phù hợp để làm căn cứ ra phán quyết. Tất nhiên nếu vụ án không có luật sư hoặc luật sư không tìm ra được án lệ thì thẩm phán phải chủ động tìm ra để áp dụng.
Một đại biểu thuộc Đoàn Luật sư TP HCM phát biểu, thời gian tới, nên nghiên cứu từng bước đưa án lệ vào công tác giảng dạy trong các trường đào tạo nghề luật. Các tạp chí chuyên ngành cũng nên in bản án mẫu, án lệ của TAND Tối cao để giúp sinh viên học tập, nghiên cứu. Việc tiếp cận với các bản án mẫu hiện nay rất khó vì TAND Tối cao ít phổ biến, các giảng viên thì chưa chủ động đưa nội dung này vào bài giảng.
Theo Pháp luật TP HCM