Hơn 3.100 người đàn ông Mỹ tham gia nghiên cứu, cung cấp dữ liệu về chế độ ăn uống, lượng testosterone huyết tương. Sau hai ngày theo dõi, nhóm khoa học phát hiện 14,6% người đủ tiêu chuẩn ăn thực đơn ít béo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA); 24,4% ăn thực đơn Địa Trung Hải nhiều rau quả, ngũ cốc, ít protein động vật và các sản phẩm từ sữa. Những người không đủ tiêu chuẩn theo thực đơn ít béo được loại khỏi nghiên cứu.
Kết quả, lượng testosterone huyết tương của cả hai nhóm đều thấp hơn mức tiêu chuẩn (435,5 ng/dL). Cụ thể, nhóm ăn ít béo có testosterone 411 ng/dL, nhóm ăn thực đơn Địa Trung Hải là 413 ng/dL.
Sau khi cân nhắc các yếu tố khác ảnh hưởng việc tiết testosterone như tuổi tác, chỉ số khối cơ thể (BMI), hoạt động thể chất, điều kiện y tế, nhóm nghiên cứu kết luận thực đơn ít béo làm giảm đáng kể lượng testosterone huyết tương, trong khi những người theo thực đơn Địa Trung Hải không bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, ý nghĩa lâm sàng của những khác biệt nhỏ trong testosterone huyết tương giữa các chế độ ăn không rõ ràng", Jake Fantus, từ Đại học Chicago, thành viên nhóm nghiên cứu nói.
Các nhà khoa học cho biết sẽ nghiên cứu sâu hơn để làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp của các chế độ ăn tới lượng testosterone.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Urology.
Lê Hằng (Theo Medical Express)