Năm 1986, Bùi Thụ Đường, 42 tuổi, là cán bộ cốt cán của Trung tâm Văn hóa thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc. Do hiểu biết về thanh nhạc, ông Đường thường phụ đạo cho các diễn viên trong đoàn văn nghệ.
Tháng 8/1986, Trung tâm Văn hóa lên kế hoạch tổ chức buổi diễn vào tháng 9, ông Đường chịu trách nhiệm sắp xếp diễn viên tham gia. Khi diễn tập, đồng nghiệp giới thiệu cho ông nữ ca sĩ nghiệp dư tên Lưu Tuệ Phương, 24 tuổi, có giọng hát hay nhưng phát âm không chuẩn. Ông đồng ý phụ đạo nhạc lý và giúp cô luyện thanh. Do hội trường quá ồn, ông hẹn dạy kèm riêng cho cô trong văn phòng.
Từ 17h ngày 5/8, ông Đường giúp Phương điều chỉnh cách phát âm, khi kết thúc buổi học đã hơn 19h. Phương hẹn sáng mai lại đến. Khi hai người cùng ra khỏi văn phòng, chồng chưa cưới của Phương giận dữ chạy tới chất vấn họ vì sao lại ở cùng nhau muộn như vậy, đồng thời nghi ngờ cả hai có quan hệ bất chính. Anh ta họ Uông, tính hay ghen, thường xuyên đưa đón Phương đi làm để giám sát, hôm nay đợi mãi không thấy cô nên vào tìm.
Sau một hồi cãi vã, Uông vẫn không chịu nghe giải thích, ông Đường bỏ về nhà trước để ăn cơm với vợ con.
Ngày 13/8, ông Đường được cấp trên chỉ định tham gia một cuộc họp. Trước hàng trăm người, ông bị cảnh sát còng tay dẫn đi. Cảnh sát đưa ra một bản tường trình, theo đó, Phương được Uông đưa đến đồn cảnh sát tố cáo ông cưỡng hiếp mình.
Ngày 30/8, cảnh sát tuyên bố bắt ông Đường vì tội hiếp dâm. Trong quá trình thẩm vấn, ông kiên quyết không nhận tội.
Trên tòa, Uông khẳng định vợ chưa cưới bị ông Đường tấn công tình dục trong văn phòng. Anh ta nói nhìn thấy rèm cửa sổ văn phòng ông kéo kín, cho rằng nếu chỉ đơn thuần phụ đạo thanh nhạc thì sao phải kéo rèm.
Ông Đường yêu cầu đối chất trực tiếp với Phương nhưng bị từ chối. Ông giải thích rằng rèm cửa sổ bị đóng đinh từ lâu nên không mở ra được. Tuy nhiên, khi đó chỉ có hai người ở trong văn phòng nên không ai có thể làm chứng cho ông.
Ngày 17/12/1986, ông Đường bị kết tội hiếp dâm, bị phạt 7 năm tù.
Không phục phán quyết của tòa, ông Đường kháng cáo. Ngày 20/3/1987, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông Đường tiếp tục kháng cáo lên TAND cấp cao tỉnh Cam Túc nhưng lại bị bác đơn vào năm 1991.
Năm 1993, ông Đường được trả tự do sau khi mãn hạn tù. Ông từng nhiều lần từ chối quyết định giảm án bởi không muốn mặc nhận mình có tội.
Ra tù, ông Đường sống nhờ trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn ở xa trung tâm thành phố, gần như không tiếp xúc với ai. Vốn có chức vụ được kính trọng và một gia đình hạnh phúc, giờ ông rơi vào cảnh bơ vơ. Năm 1989, ông chủ động đề nghị ly hôn để tránh liên lụy vợ con. Ông nói nếu không cắt đứt quan hệ với họ, hai con luôn bị những đứa trẻ ở trường chỉ trỏ và gọi là "con của kẻ hiếp dâm". Mẹ và anh chị em trong nhà cũng từ mặt ông.
Dù ở trong tù hay khi đã tự do, ông Đường đều không từ bỏ kêu oan. Ông đi rửa bát, kéo xe thuê để kiếm tiền đi kiện. Trong 24 năm tìm kiếm công lý, ông đã viết 3.007 tờ đơn xin xem xét lại vụ án nhưng không có hồi âm.
Ông Đường muốn tìm Phương để hỏi tại sao lại hãm hại mình. Không ngờ, Phương cũng tìm kiếm tung tích của ông. Cuối tháng 10/2000, 14 năm sau vụ việc, khi gặp lại ông Đường, Phương khóc, quỳ xin lỗi và đưa cho ông "thư thú tội" dài 8 trang. Cô thú nhận đã vu cáo và chấp nhận dù ngồi tù cũng phải nói rõ sự thật để trả lại sự trong sạch cho ông.
Theo lời Phương, do năng lực và thành tích của ông Đường ở Trung tâm Văn hóa quá nổi bật nên bị hai cấp trên ghen tị. Họ tình cờ biết được chuyện chồng chưa cưới của cô tranh cãi với ông nên quyết định lợi dụng việc này để bịa đặt vụ án hiếp dâm. Ban đầu, Phương từ chối vu oan ông Đường, nhưng dưới sự ép buộc, đánh đập của Uông và cám dỗ của tiền bạc, lời hứa hẹn được vào Trung tâm Văn hóa làm việc chính thức, cô đồng ý.
Phương nói hơn 10 năm qua sống trong ân hận và sợ hãi, từng tự tử không thành. Nhiều lần cô muốn nói ra sự thật nhưng lại bị ngăn cản, đe dọa sẽ phải đi tù 3 năm vì tội vu cáo.
Biết được sự thật, ông Đường vô cùng kinh ngạc. Ông thừa nhận có ý kiến bất đồng về công việc với cấp trên nhưng không đến mức bị họ "đẩy vào chỗ chết" như vậy.
Phương đồng ý đi cùng ông Đường đến Bắc Kinh để đệ đơn khiếu nại lên TAND tối cao. Ngày 17/2/2009, TAND Tối cao chỉ thị TAND cấp cao tỉnh Cam Túc tái thẩm vụ án do "kết quả điều tra không rõ ràng, không đủ chứng cứ".
Ngày 21/7/2010, sau 24 năm, vụ án được xét xử kín một lần nữa. Tòa cho rằng chứng cứ khép tội ông Đường chủ yếu là lời khai từ Phương và Uông. Tuy nhiên, Phương đã thừa nhận khai báo sai sự thật, cơ quan công tố cũng không có kết luận giám định hay vật chứng khác liên quan để chứng minh ông Đường và Phương từng quan hệ tình dục. Tòa tuyên hủy bỏ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.
Ngày 26/1/2011, ông Đường nhận được phán quyết vô tội. Ông chia sẻ với truyền thông: "25 năm trước, tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đã nói ở cuối phần trình bày lời khai rằng 'Kẻ đứng ở bục bị cáo này không nên là tôi, sự thật và thời gian sẽ chứng minh tôi vô tội'. 25 năm sau, tôi vẫn dùng câu nói này trong phiên tòa xét xử lại, cuối cùng đã ứng nghiệm".
Theo ông, mang tội vì bị vu khống là nỗi nhục lớn trong đời. Suốt 25 năm, ông phải gánh chịu nỗi đau tinh thần khi mất đi gia đình, sự nghiệp và phẩm giá. "Đời người có mấy lần 25 năm chứ?", ông nói và rơi nước mắt.
Về những kẻ âm mưu vu cáo, hãm hại mình, ông Đường lựa chọn không tiếp tục truy cứu, hai cấp trên cũ của ông đã chết.
Ngày 4/7/2011, tòa án thành phố Vũ Uy ra quyết định bồi thường 363.937 nhân dân tệ cho 2.557 ngày ông Đường bị giam giữ trái pháp luật, và 50.000 nhân dân tệ bồi thường tổn thất tinh thần. Ngày 26/7/2012, chính quyền địa phương khôi phục chức vụ cho ông Đường để được hưởng chế độ hưu trí.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Sohu, Chinanews)