VNExpress

Chủ nhật, 1/9/2024
Chọn địa danh
Thứ sáu, 18/12/2020, 02:08 (GMT+7)

An Giang trong mắt chàng trai Sài Gòn

Chàng trai 22 tuổi Nguyễn Thanh Tính gợi ý những điểm check-in nếu bạn chỉ có một ngày để tham quan An Giang.

Nhắc An Giang, chắc chắn bạn nên bỏ túi địa chỉ rừng tràm Trà Sư, nơi có rừng tràm mênh mông, hệ sinh thái đa dạng và vô số bầy chim làm tổ.

Từ thị trấn Nhà Bàng thuộc huyện Tịnh Biên, bạn đi đường tỉnh lộ 948 đến cầu Bưng Tiên tại km 6 thì rẽ trái và tiếp tục đi khoảng 4 km là đến rừng tràm Trà Sư.

Hiện tại, khu du lịch Trà Sư được đầu tư quy mô hơn để thu hút du khách thập phương. Giá vé vào cổng mỗi người là 100.000 đồng, và 50.000 đồng cho dịch vụ xuồng hay tắc ráng đưa khách tham quan khu sinh thái.

Trên đường đến rừng Tràm Trà Sư, Tính gặp một xe bán siro đá bào. Thấy các bé nhỏ đứng nhìn, muốn mua mà không có tiền, nên Tính mua cho mỗi đứa một ly. Thấy vậy, một gia đình gần đó mời Tính vào nhà nghỉ ngơi và tặng chai trà xanh uống giải khát.

"Một ly đá bào giá 5.000 đồng chỉ có siro và sữa, nhưng là cả bầu trời tuổi thơ của bọn trẻ miền quê", Tính chia sẻ cảm nhận.

Cổng trời hay "cánh cổng thời gian" là cách mà dân phượt đặt cho cổng chùa Koh Kas ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn.

Không có địa chỉ cụ thể nên muốn đến Koh Kas, bạn phải lần theo đường vào chùa Hàng Còng (chùa Kran Krok). Koh Kas nằm sau lưng chùa Hàng Còng. Theo kinh nghiệm của Tính, thời điểm chụp ảnh đẹp nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh ánh nắng gay gắt giữa đồng. Nếu bạn đến đây vào mùa lúa chín sẽ có nhiều bức ảnh đẹp lung linh hơn nữa.

Từ Châu Đốc, bạn tìm đường đi Ba Chúc. Tới ngã ba Ba Chúc thì rẽ phải, tiếp tục chạy thẳng sẽ gặp cánh cổng bên tay phải.

Hồ Tà Pạ được mệnh danh là "tuyệt tình cốc" của miền Tây. Khi đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự yên ả, nên thơ của núi non hùng vĩ cùng hồ nước màu xanh ngọc bích đẹp nao lòng.

Hồ nằm trên một ngọn đồi thuộc địa phận núi Tô, huyện Tri Tôn. Ngoài ngôi chùa cùng tên nằm gần đó thì nơi đây vắng người dân sinh sống. Tuy nhiên, mỗi ngày đều có rất nhiều người đến chụp ảnh check-in, tham quan. Xung quanh hồ có một quán nước nhỏ, phục vụ nhu cầu giải khát của khách. Tính cho biết rất quý sự chân tình của người miền Tây, đặc biệt là các cô chú bán nước uống gần đó. Ai nhờ chụp hình là sẵn sàng liền.

Nếu đi bằng xe máy, từ Châu Đốc, bạn chạy theo hướng về Tri Tôn. Đến chợ Tri Tôn, chạy thẳng đường Nguyễn Trãi sẽ đến được chùa Tà Pạ, rồi hỏi người dân đường đi lên hồ.

Đoạn đường đến thị trấn Ba Chúc, hướng về nhà mồ, có một thân cây xù xì, trở thành "bùng binh" của nơi này. Tương truyền, đây là cây dầu 300 tuổi. Phần thân gần như đã chết được níu giữ bởi sức sống mãnh liệt của cây bồ đề bên ngoài, tạo thành một điểm check-in đặc biệt. Ngoài ra người dân nơi đây cũng có rất nhiều chuyện ly kỳ liên quan tới cây.

Trong những nơi Tính tìm đến, nhà mồ Ba Chúc gợi lên cảm giác vừa rùng rợn vừa đau thương bởi đây là nơi cất giữ 1.159 bộ hài cốt của những người dân vô tội, bị Khmer Đỏ tàn sát. Được xây cất mới theo hình bông sen trắng vươn lên trời cao. Mỗi cánh sen tượng trưng một nhóm hài cốt được phân theo độ tuổi, giới tính dựa vào kết quả giám định hộp sọ. “Đã từng học và nghe kể nhưng mình tin rằng những bạn đến đây giống mình sẽ cảm nhận được sự tang thương mà người dân nơi đây phải hứng chịu”, Tính chia sẻ.

Dưới cái nắng oi ả, thốt nốt không phải là loại cây cho bóng râm để nghỉ mát vì chúng có chiều cao trung bình từ 10-20 m. Tuy vậy, hình ảnh những đồng lúa trồng xen cây thốt nốt là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân An Giang. Ngoài tạo cảnh quan độc đáo chỉ An Giang mới có, cây thốt nốt còn cho quả làm nên nhiều sản phẩm như bánh bò thốt nốt, đường phèn thốt nốt, hay nước giải khát...

Dừng chân bên một thửa ruộng, Tính bắt gặp một người nông dân đang chạy máy bừa sau khi đã qua quy trình cày xới. Lớp bùn trên ruộng trở nên mềm mịn hơn. Tính kể bạn còn được được người nông dân đó vui vẻ mời uống nước.

Trên đường từ Tịnh Biên đi Tri Tôn, Tính nhìn thấy hình ảnh những phụ nữ gánh hai bó củi trên vai. "Nhìn họ có vẻ kham khổ nhưng luôn tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản dị nhất. Vùng đất xa xôi nắng gió bụi đường này cũng không làm chùn đi ý chí sinh tồn của họ", Tính nghĩ.

Thanh Tính vui đùa cùng các em nhỏ trước khi chia tay để trở về Cần Thơ cho chuyến đi tiếp theo. Bọn trẻ rất quyến luyến, không muốn rời chàng trai Sài Gòn.

Chuyến khám phá An Giang trong ngày của Tính có tổng chi phí là 500.000 đồng. Nếu khởi hành từ Sài Gòn đến Châu Đốc, khoảng cách là 207 km. Bạn có thể đi xe khách hoặc đi xe giường nằm mức giá chừng 155.000 đồng. Di chuyển giữa các điểm trong chuyến đi cách nhau chừng 20-30 phút, bạn có thể vẽ lịch trình và xác định đến điểm nào trước.

Tới An Giang bạn nên thử một số đặc sản như: cơm hay cháo thịt bò, bún mắm, bún cá lóc… giá 30.000 - 35.000 đồng một phần.

Những ngôi chùa ấn tượng ở An Giang

Thanh Thu

Ảnh: Nguyễn Thanh Tính

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net