Nội dung được đề cập trong lễ công bố quy hoạch An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 19/1.
Cụ thể, hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu, thuộc hành lang biên giới từ Long An - An Giang - Kiên Giang, định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; đầu mối giao thương, hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế của vùng với Vương quốc Campuchia...
Khi có đủ điều kiện An Giang sẽ nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) thành cửa khẩu quốc tế đường bộ thứ ba của tỉnh. Đồng thời, nâng cấp cửa khẩu Bắc Đai cùng huyện lên cửa khẩu chính...
Về các đô thị dọc hành lang kinh tế, TP Châu Đốc định hướng là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp quốc gia, đô thị xanh, tạo động lực hỗ trợ các huyện vùng Bảy Núi phát triển. Thị xã Tân Châu là đô thị động lực phía Bắc, tập trung phát triển về kinh tế biên giới, đầu mối giao thương quốc tế tại cửa khẩu Vĩnh Xương.
Thị xã Tịnh Biên là đô thị biên giới của tỉnh, đầu mối giao thương quốc tế qua cửa khẩu Tịnh Biên... Ngoài hành lang biên giới nói trên, tỉnh còn hai hành lang kinh tế khác là: Châu Đốc - Long Xuyên và Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu.
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, cho biết quy hoạch tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ pháp lý để xây dựng chính sách, đảm bảo tính bao quát, kết nối, đồng bộ... An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài hơn 100 km, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thương mại, du lịch, đặc biệt là kinh tế biên mậu...
Đến năm 2030, An Giang đặt mục tiêu phát triển khá trong vùng ĐBSCL, kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia...
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN...
An Giang có diện tích tự nhiên 3.500 km2, dân số hơn 2 triệu người, lớn nhất vùng ĐBSCL.
Ngọc Tài