Hơn 1,5 triệu tình nguyện viên ở Ấn Độ trồng khoảng 66 triệu cây xanh dọc theo sông Narmada ở bang Madhya Pradesh hôm 2/7 như là một phần trong cam kết bảo vệ môi trường, theo Independent. Trong Hiệp định Paris, Ấn Độ đồng ý chi 6 tỷ USD nhằm tái trồng rừng trên 12% diện tích lãnh thổ, tăng diện tích che phủ rừng lên 95 triệu ha vào năm 2030.
"Để thực hiện những điều khoản chúng tôi ký trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21) diễn ra tại Paris, Pháp, chúng tôi quyết định trồng cây để bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai", Shivraj Singh Chouhan, thủ hiến bang Madhya Pradesh, cho biết.
Các tình nguyện viên trồng hơn 20 loài cây khác nhau từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ở 24 khu vực dọc theo lưu vực sông Narmada để tăng cơ hội sống sót cho cây con. Họ sử dụng nhiều công cụ làm vườn và xô tưới nước. Trên kênh truyền thông xã hội, một số người đưa ra ý kiến cho rằng nhiều cây sau khi trồng sẽ không được tưới và chăm sóc đầy đủ để có thể sinh trưởng và phát triển.
Năm 2016, hơn 800.000 tình nguyện viên bao gồm sinh viên, nhà lập pháp, quan chức chính phủ, người nội trợ và tình nguyện viên của một số tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ cùng tham gia trồng 50 triệu cây xanh trong vòng 24 giờ tại bang Uttar Pradesh. Địa điểm trồng cây nằm dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đất rừng.
Năm nay, Ấn Độ tiếp tục lập nên kỷ lục thế giới mới. Đại diện của Kỷ lục Thế giới Guinness giám sát việc trồng cây tại bang Madhya Pradesh và sẽ chính thức trao xác nhận kỷ lục trong vài tuần tới.
Lê Hùng