Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), du khách Ấn Độ chi hơn 34 tỷ USD khi du lịch quốc tế vào năm 2023, nằm trong top 12 các nước du khách chi tiêu nhiều. Alan Watts, chủ tịch chuỗi khách sạn Hilton khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết mức độ chi tiêu này "rất nhỏ" so với sắp tới.
Theo báo cáo tác động kinh tế 2024 của WTTC, mức chi tiêu của khách Ấn trong năm 2034 tăng gấp đôi, lên 76,8 tỷ USD, giữ vị trí thứ 7 trong danh sách các quốc gia du khách đi du lịch chi tiêu nhiều nhất thế giới.
"Du lịch Ấn Độ sẽ là câu chuyện của thập kỷ tới", Alan Watts nói.
Về việc liệu Ấn Độ có trở thành "Trung Quốc thứ hai" đối với ngành du lịch toàn cầu hay không, Watts nói "quốc gia này có những đặc điểm phù hợp và đây là lý do ngành du lịch toàn cầu lại lạc quan đến vậy". Watts nói thêm xu hướng khách Ấn Độ du lịch quốc tế đang phát triển nhanh hơn Trung Quốc.
Watts cho biết Ấn Độ giống Trung Quốc, đều là những nước đông dân nhất thế giới. Ấn Độ hiện tại có 1,4 tỷ dân, dân số trẻ và có mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ theo từng năm.
Nhược điểm là cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn trong quá trình xây mới. Dự kiến từ giờ đến 2030, Ấn Độ đầu tư 7.000 tỷ USD để cải thiện đường sá, tàu cao tốc, sân bay với mục tiêu biến nơi này thành quốc gia phát triển vào năm 2047.
Theo Hội đồng Sân bay quốc tế, Ấn Độ hiện có lượng hành khách đi máy bay nhiều thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến nước này đón thêm 960 triệu hành khách vào năm 2042.
Air India, hãng hàng không quốc gia Ấn, xác nhận đặt thêm hơn 100 máy bay Airbus, trong đó 10 máy bay dòng A350 và 90 máy bay A320 neo, bên cạnh đơn đặt hàng phá kỷ lục năm 2023 với 470 máy bay của Airbus và Boeing. Indigo, hãng hàng không giá rẻ, cũng đặt 500 máy bay của Airbus trong 2023 và dự kiến nhận từ 2030 đến 2035.
Các công ty dịch vụ lưu trú toàn cầu cũng đang chuẩn bị cho sự bùng nổ của tệp khách Ấn. Dự kiến hàng triệu người Ấn sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong những năm tới, dẫn đến du lịch quốc tế và nội địa sẽ bùng nổ.
Do lượng khách đến từ Trung Quốc vẫn còn hạn chế, nhiều quốc gia đang tìm cách hút khách Ấn thay thế thông qua các thỏa thuận miễn thị thực, các đường bay thẳng và chiến dịch quảng cáo. Australia là quốc gia tiên phong khi công bố chiến dịch quảng cáo hút khách Ấn trong tháng 11. Dự kiến quốc gia này sẽ đón 50 triệu lượt khách Ấn ghé thăm sau chiến dịch này.
Cuối tháng 11, chuỗi khách sạn Hilton đã ký thỏa thuận mở thêm 150 khách sạn tại Ấn Độ, nhằm hướng tới tệp khách trung lưu. Các tập đoàn khác như Marriott, IHG, Hyatt và Wyndham cũng đang nỗ lực thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của khách du lịch tại Ấn. Marriott công bố kế hoạch mở thêm 250 khách sạn tại quốc gia này vào năm 2025.
Các khách sạn, công ty lữ hành Mỹ cũng đang trải thảm đỏ chào đón làn sóng khách Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống mà các thị trường Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để lại. Năm 2024, lượng khách đến từ ba quốc gia trên giảm lần lượt 44,5%; 50,1% và 23,9% so với năm 2019.
Theo Văn phòng Thương mại và Du lịch quốc gia Mỹ, gần 1,9 triệu lượt khách Ấn đã đến Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay; tăng gần 48% so với năm 2019. Trong đó, khách đến công tác kết hợp du lịch tăng 50% và khách đi giải trí đơn thuần tăng gần 44%, dựa theo nhu cầu xin visa.
Trong khi đó, khách nhà giàu Trung Quốc đi du lịch trong khu vực nhiều hơn đến Mỹ, đặc biệt là các điểm đến Đông Nam Á. Khách Âu bắt đầu quay lại Mỹ nhưng lượng khách từ các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức vẫn thấp hơn mức của năm 2019.
Viator, công ty con của Tripadvisor, cho biết lượng đặt phòng của khách Ấn tại Mỹ tăng hơn 50% so với năm ngoái và gấp ba trước dịch. Ngành du lịch Mỹ đã có một năm khởi động chậm chạp. Các công ty du lịch báo cáo doanh thu thấp hơn sau khi làn sóng "du lịch trả thù" sau dịch lắng xuống và lạm phát khiến người dân cắt giảm chi tiêu.
"Tỷ lệ kín phòng và doanh thu năm 2025 sẽ tăng trưởng, nhờ vào lượng khách hàng trẻ tuổi, ưa trải nghiệm đến từ Ấn Độ", Grzegorz Kowalski, CEO của nền tảng đặt phòng khách sạn Tripoffice, kỳ vọng.
Anh Minh (Theo SCMP, CNBC)