Hiệp hội Gene SARS-CoV-2 Ấn Độ (Insacog), gồm các viện khoa học hàng đầu làm nhiệm vụ giải trình tự gene nCoV, quyết định kích hoạt toàn bộ các đơn vị thành viên để kiểm tra lại cơ sở dữ liệu GISAID nhằm tìm kiếm loại đột biến của chủng virus "lai" này, truyền thông Ấn Độ ngày 30/5 đưa tin.
"Chúng tôi đã bắt đầu quá trình rà soát và đang xem xét kỹ lưỡng. Chúng tôi sẽ kiểm tra dữ liệu giải trình tự gene trong cơ sở GISAID của mình", một thành viên Insacog cho biết. "Chúng tôi sẽ yêu cầu toàn bộ phòng thí nghiệm lập tức kiểm tra thông tin về chủng nCoV đó".
Động thái được Insacog tiến hành sau khi nhận được thông tin về "virus lai" giữa biến chủng có nguồn gốc từ Anh và Ấn Độ được ghi nhận tại Việt Nam. Trong hội nghị trực tuyến ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các chuyên gia y tế phát hiện một chủng virus mới mang đặc tính của hai biến chủng này. "Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới", ông Long nói.
Chủng B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, là biến chủng phổ biến nhất và chiếm hơn một nửa số ca nhiễm tại nước này. Trong khi đó, biến chủng B.1.117, được phát hiện lần đầu ở Anh, xuất hiện tại Ấn Độ hồi tháng 3 và cũng chiếm tỷ lệ lớn trong các ca nhiễm của nước này. Hai biến chủng B.1.117 và B.1.617 đều có khả năng lây lan nhanh.
B.1.617.2, một nhánh của biến chủng B.1.617, được cho là đang lây lan nhanh ở Ấn Độ và các quốc gia khác. Giới chức y tế Anh ngày 6/5 tuyên bố B.1.617.2 là "biến chủng gây lo ngại". Một chủng đột biến từ B.1.617.2, tương tự biến chủng được phát hiện ở Anh, được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại Việt Nam gần đây tăng nhanh.
Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết văn phòng đại diện của WHO tại Việt Nam và WHO chi nhánh Tây Thái Bình Dương (WHOWPRO) đang làm việc với Bộ Y tế về biến chủng mới. "Biến chủng được phát hiện là B.1.617.2 với các đột biến bổ sung. Sẽ sớm có thêm thông tin", Kerkhove đăng trên Twitter ngày 30/5.
Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ). Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ 27/4 tới nay, số ca nhiễm cộng đồng là 4096, ghi nhận tại 34 tỉnh thành.
GISAID là sáng kiến khoa học toàn cầu được thành lập tháng 5/2008, cung cấp cơ sở dữ liệu nguồn mở về gene của virus cúm và nCoV. Trình tự toàn bộ gene nCoV được cung cấp lần đầu trên GISAID ngày 10/1/2020, cho phép thế giới phản ứng với Covid-19, bao gồm phát triển công cụ xét nghiệm và vaccine.
Nguyễn Tiến (Theo ET)