Trong vụ phóng, Vikram-S đạt độ cao tối đa 89,5 km. Tên lửa nặng 545 kg này đáp xuống vùng biển thuộc vịnh Bengal khoảng 5 phút sau khi phóng. Thử nghiệm thành công đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của nước này nhằm tạo ra ngành công nghiệp vũ trụ thương mại và cạnh tranh về chi phí.
Vikram-S dự kiến có khả năng đạt Mach 5, nghĩa là nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, và chở 83 kg hàng hóa lên độ cao 100 km. Trong lần phóng đầu tiên, nhóm chuyên gia Skyroot đặt mục tiêu bay cao 80 km. Đây là ngưỡng được một số cơ quan xác định là ranh giới của không gian. Ngoài ra, một ranh giới quy ước khác giữa khí quyển Trái Đất và không gian là đường Karman cao 100 km.
Skyroot đặt mục tiêu cắt giảm chi phí phát triển tới 90% so với các nền tảng hiện có để phóng vệ tinh nhỏ. Công ty hy vọng đạt được mức tiết kiệm chi phí này bằng cách sử dụng cấu trúc tên lửa có thể lắp ráp trong chưa đầy 72 giờ bằng vật liệu composite. Skyroot lên kế hoạch bắt đầu phóng vệ tinh từ năm sau.
Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân để bổ trợ cho chương trình không gian của nhà nước, vốn nổi tiếng với các nhiệm vụ và vụ phóng chi phí rẻ. Nhiệm vụ sao Hỏa không phi hành đoàn của Ấn Độ năm 2014 chỉ tốn 74 triệu USD và gây chú ý vì chi phí còn thấp hơn bộ phim nổi tiếng "Gravity".
Vikram-S được đặt tên theo Vikram Sarabhai, nhà vật lý và thiên văn học được coi là cha đẻ của chương trình vũ trụ Ấn Độ. Skyroot thành lập năm 2018, là startup vũ trụ đầu tiên ký hợp đồng sử dụng các cơ sở phóng và thử nghiệm của ISRO. Công ty đã huy động được 64,42 triệu USD tiền vốn và có khoảng 200 nhân viên. Trong đó, gần 100 người tham gia dự án phóng đầu tiên.
Thu Thảo (Theo Reuters)