Nhiều báo cáo cho rằng các thi thể này là của những người dân được thả xuống sông hoặc được chôn trên bờ vì gia đình không có khả năng tổ chức hỏa táng cho họ. Người Ấn Độ xem sông Hằng như con sông thần thánh và thường chất củi hỏa táng người thân trên bờ sông. Con sông dài 2.500 km hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải công nghiệp, thuốc trừ sâu dùng cho nông nghiệp và nước thải.
Các thi thể lần đầu tiên được trông thấy nổi gần bờ hôm 13/1 ở quận Unnao, thuộc bang Uttar Pradesh. Hôm sau, nhiều thi thể hơn được tìm thấy. Giới chức Ấn Độ cho hay cho đến nay đã có 104 xác đã được vớt lên.
"Có vẻ như là khi mực nước rút xuống, các thi thể bắt đầu nổi lên mặt nước", AFP dẫn lời Saumya Agarwal, quan tòa quận, nói. "Chúng tôi đang cố gắng xác định nguyên nhân, và đã cử một đoàn bác sĩ tới hiện trường để thu thập mẫu DNA phục vụ điều tra".
Phóng viên Geeta Pandey của BBC ở thành phố Delhi cho biết các thi thể thường được trông thấy trôi nổi trên sông Hằng, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt khi có quá nhiều xác xuất hiện ở cùng một địa điểm. Theo Pandey, nhiều người Hindu giáo không hỏa táng những chàng trai, cô gái chưa kết hôn. Những người nghèo không có khả năng hỏa táng người quá cố thì thường quấn thi thể lại trong tấm vải trắng rồi cho trôi sông.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng việc phát hiện có quá nhiều xác người ở một địa điểm có thể là mối nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe. Một sáng kiến trị giá nhiều tỷ USD để làm sạch con sông ô nhiễm suốt nhiều năm qua đã thất bại. Các chuyên gia môi trường cho rằng nếu tình trạng ô nhiễm không được kiểm soát, sông Hằng sẽ kết thúc cuộc sống của những cộng đồng sống dọc bờ sông.
Năm ngoái, sau khi đắc cử, Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ làm sạch sông Hằng.
Bình Minh