"Các mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa", NDTV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ trả lời khi được hỏi về việc Trung Quốc coi bang Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng trong bản đồ mới phát hành. "Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ truyền tải nhiều lần tới Trung Quốc, bao gồm cả cấp cao nhất".
Theo người phát ngôn, vấn đề này có thể sẽ được Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari nêu ra trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Ansari đang ở Bắc Kinh nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel, trong đó có 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa hai nước.
“Chúng tôi phản đối và lên án tuyên bố chủ quyền (của Trung Quốc) với bang Arunachal Pradesh. Chúng tôi muốn chính phủ đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề này", India Today dẫn lời ông Nabam Tuki, Thủ hiến bang Arunachal Pradesh, nói.
Bản đồ mới của Trung Quốc, do nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam phát hành, còn cho thấy rõ ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà nước này gọi là "chủ quyền" của mình còn mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Đường lưỡi bò" nuốt trọn Biển Đông được thể hiện bằng 10 đoạn màu đỏ chạy liền nhau, thay vì 9 đoạn như Trung Quốc tự vẽ ra trước đây. Đoạn thứ 10 này nằm gần Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ của mình.
Cả Việt Nam và Philippines đều cực lực phản đối việc Trung Quốc phát hành tấm bản đồ với "đường lưỡi bò". Trong cuộc họp báo hôm 26/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định việc phát hành tấm bản đồ với "đường lưỡi bò" khoanh hầu như toàn bộ Biển Đông về Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ông Bình tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ Ngoại giao và phủ tổng thống Philippines cũng chỉ trích Trung Quốc kịch liệt, lên án động thái vi phạm luật pháp quốc tế và thể hiện rõ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. "Rõ ràng những bản đồ cổ của họ không đủ tính lịch sử để chứng minh chủ quyền nên họ phải vẽ ra những bản đồ mới", phát ngôn viên tổng thống Edwin Lacierda khẳng định.
Bắc Kinh hôm 25/6 còn biện bạch rằng mục đích chính của việc phát hành bản đồ là "phục vụ công chúng Trung Quốc" và cho rằng không nên diễn giải quá sâu về tài liệu này.
Như Tâm