Cuối tuần trước, website của Hạ viện Ấn Độ công bố "Dự luật Tiền số và Quy định quản lý Tiền số chính thức" để "tạo ra khung chính sách hỗ trợ tiền số chính thức do Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phát hành". Bên cạnh đó, "dự luật cũng sẽ cấm tất cả các loại tiền số tư nhân tại Ấn Độ. Tuy nhiên, sẽ có ngoại lệ để khuyến khích công nghệ nền tảng của tiền số và ứng dụng của nền tảng này"
Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi hiện kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội. Việc này giúp dự luật có khả năng cao được thông qua.
Đây không phải lần đầu tiên giới chức Ấn Độ có biện pháp mạnh với tiền số. Năm 2018, một hội đồng trong chính phủ nước này đã đề nghị cấm tất cả tiền số tư nhân và bỏ tù 10 năm với người vi phạm. Cùng năm, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ khi đó Arun Jaitley cho biết: "Chính phủ không công nhận tiền số là tiền tệ hợp pháp và sẽ làm mọi cách để ngăn việc sử dụng các tài sản số trong hoạt động tài chính phi pháp hoặc tham gia vào hệ thống thanh toán".
Giới chức tiền tệ Ấn Độ đã tạm thời cấm giao dịch tiền số sau một loạt hành vi lừa đảo năm 2018. Tuy nhiên, chính sách này sau đó bị Tòa án Tối cao Ấn Độ đảo ngược vào tháng 3/2020.
Rất nhiều quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Venezuela, Estonia, Thụy Điển, Uruguay – đã nghiên cứu phát triển tiền điện tử riêng. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa tiền điện tử quốc gia và các loại tiền tư nhân như Bitcoin. Tiền số tư nhân mang tính phi tập trung, trong khi tiền số quốc gia mang tính tập trung.
Khi tiền số tăng giá kỷ lục vài tháng gần đây, chính phủ Ấn Độ muốn đảm bảo nhà đầu tư nước này không gặp rủi ro. Hôm 29/1, thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Gabriel Makhlouf cho rằng nhà đầu tư Bitcoin cần chuẩn bị cho khả năng "mất toàn bộ tiền". Cơ quan Giám sát Tài chính Anh (FCA)hôm 11/1 cũng ra cảnh báo tương tự.
Hà Thu (theo CNBC)