"Chúng tôi đang theo dõi các biến động. Chúng tôi tin rằng việc duy trì hòa bình ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực này là mối quan tâm thiết tha của cộng đồng quốc tế", hãng tin PTI dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói hôm nay.
Biến cố mới nhất ở Biển Đông xảy ra từ ngày 2/5, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vị trí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Trung Quốc còn đưa hàng chục tàu, trong đó có tàu quân sự, hải cảnh, hải giám vào khu vực này, uy hiếp các tàu của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ.
Kêu gọi các bên tìm ra giải pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế, Ấn Độ nhấn mạnh rằng cần tôn trọng tự do hàng hải và đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển ở Biển Đông.
Theo WSJ, có tới 55% lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ với vùng Thái bình dương được chuyên chở qua Biển Đông. "Tầm quan trọng của tuyến đường này ngày càng tăng khi Ấn Độ đang tìm cách đẩy mạnh buôn bán với Đông Á, Đông Nam Á", chuyên gia Amit Singh, thuộc Quỹ Hàng hải quốc gia Ấn Độ, nhận xét.
Chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc đặt giàn khoan, Việt Nam và Ấn Độ thỏa thuận gia tăng sự hiện diện của tập đoàn dầu khí quốc doanh ONGC Videsh tại các lô khai thác dầu khí trên Biển Đông, theo PTI. Trung Quốc từng muốn ngăn cản các dự án khai thác dầu khí mà Ấn Độ hợp tác với Việt Nam tiến hành ở khu vực. Tuy nhiên Ấn Độ vẫn thể hiện cam kết với Việt Nam, hai bên có mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ.
Ánh Dương