Tác phẩm của nhà văn Salman Rushdie được kể ở ngôi thứ nhất, về chàng trai Saleem Sinai, một trong 1.001 đứa trẻ có sức mạnh thần kỳ do được sinh ra vào đúng thời khắc Ấn Độ giành độc lập, ngày 15/8/1947.
Tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 1981, gợi mở bối cảnh Ấn Độ. Trong sách, Salman Rushdie thể hiện quan điểm phản kháng với những di sản do chủ nghĩa đế quốc phương Tây để lại ở khu vực Nam Á. Tác giả mô tả sự xâm lăng về mặt văn hóa của thực dân Anh và mối quan hệ đối nghịch giữa mẫu quốc (Anh) với thuộc địa (Ấn Độ). Rushdie viết lại lịch sử thời kỳ này như một cách tái tạo bản sắc của dân tộc, lên án những mưu đồ cùng vết thương in hằn trên quê hương của nhà văn.
Khoảng thời gian Sinai trưởng thành trong 31 năm là giai đoạn hoàn thiện và chia rẽ của tiểu lục địa Ấn Độ với các sự kiện chính trị, như thảm sát Jallianwala Bagh, chính biến ở Pakistan, Ấn Độ độc lập và chia cắt, chiến tranh Ấn Độ - Pakistan - Bangladesh. Tác phẩm vừa thách thức, vừa hấp dẫn người đọc, như cuộc đối đầu của thế giới ngôn từ, nhân vật, chủ đề, nội dung và hình thức trần thuật.
Truyện mang yếu tố huyền ảo, thể hiện qua phép thuật của 1.001 đứa trẻ, như thuật đọc tâm, biến thành người sói, hoán đổi giới tính, năng lực tìm ra nguồn nước cho đến năng lực chữa lành vết thương, thuật biến đá thành vàng. Bút pháp hiện thực huyền ảo và khả năng tưởng tượng của Rushdie được vận dụng vào sách, cho thấy kỹ năng kể chuyện, sắp xếp bố cục tiểu thuyết. Yếu tố này đã khiến tác phẩm khác biệt với các tiểu thuyết lịch sử chính thống, phá vỡ quan niệm về "sự thật" trong lịch sử.
Song song với việc kể chuyện, Rushdie thể hiện những nét đẹp về triết lý tôn giáo, truyền thống văn hóa thịnh vượng bậc nhất của tiểu lục địa này. Tác giả thỏa niềm mong muốn được gắn kết với quê hương, khẳng định mình là một nhà văn Ấn Độ dù sinh sống ở nước ngoài. Theo Rushdie, khi độc giả cảm nhận sự sống động của lịch sử Ấn Độ trong tác phẩm, họ sẽ đồng cảm với vẻ đẹp lẫn niềm đau và sự kiên cường của dân tộc này.
Kho tàng văn học phương Đông trong tập truyện dân gian Nghìn lẻ một đêm, sử thi Ramayayana, Mahabhrata, truyện ngụ ngôn Chuyện kể Jataka trở thành nền tảng cho sự phát triển cốt truyện Những đứa con của nửa đêm, tạo ra "bữa tiệc" ngôn từ rực rỡ của lịch sử, tôn giáo, văn hóa và phép thuật. Ở đó, có lão lái đò Tai già đến mức không biết mình bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ rằng từng gặp qua Đấng Christ khi Ngài đến Kashmir. Có mụ gái điếm cho rằng đã sống được 512 năm, có biệt tài biến đổi được mùi cơ thể của mình giống với một người bất kỳ.
Những đứa con của nửa đêm đoạt ba giải Man Booker, góp mặt trong các bảng xếp hạng tác phẩm hay nhất thế kỷ 20 thông qua bầu chọn của những nhà xuất bản như Modern Library hay Le Monde. Tác phẩm cũng nhận nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình. Nhà văn Malcolm Bradbury nói sách là khởi đầu mới cho dòng tiểu thuyết cuối thế kỷ 20. Tờ New York Times nhận định "bản đồ văn chương của Ấn Độ cần được vẽ lại. Tác phẩm vang vọng như một lục địa tìm được tiếng nói của mình".
Năm 2012, sách được nhà văn và đạo diễn Deepa Mehta đưa lên màn ảnh rộng, nhận đề cử cho Phim hay nhất và bảy hạng mục khác tại giải Canadian Screen Awards, đạt giải Kịch bản chuyển thể và giải Nữ phụ xuất sắc.
Salman Rushdie, 76 tuổi, là một trong những tên tuổi nổi bật của nền văn học thế giới. Nhà văn trải qua những năm tháng tuổi thơ ở Ấn Độ trong gia đình trí thức giàu có ở Ấn Độ theo đạo Islam, tốt nghiệp ngành lịch sử ở Đại học Cambridge (Anh).
Văn chương mang lại cho Rushdie danh tiếng, giải thưởng, như giải Booker, Whitbread, James Tait Black nhưng cũng biến ông thành "tội đồ", một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất văn đàn. Vì quyển Những vần thơ của quỷ Satan - bị cho là báng bổ nhà tiên tri Mohammed, năm 1989, giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra sắc lệnh Fatwa cho tín đồ đạo Hồi toàn thế giới truy nã tử hình Salman Rushdie. Tháng 8/2022, nhà văn bị đâm khi đang chuẩn bị thuyết trình ở ngoại ô New York.
Hoàng Vy