"Chúng tôi đã dốc toàn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng biên giới. Cả nước chưa từng thấy những con đường, cầu và hầm được xây dựng quy mô này", Thủ tướng Modi tuyên bố sau khi khánh thành đường hầm xuyên núi hôm nay.
"Ngoài giúp ích cho người dân địa phương, cơ sở hạ tầng này cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các nam, nữ quân nhân của chúng ta", ông Modi nói thêm.
Hầm Atal xuyên dãy Himalaya, nằm trên cao tốc chạy qua bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Đây là một trong hai tuyến đường chính để quân đội nước này triển khai quân tới Ladakh, giáp biên giới với Trung Quốc. Hầm Atal, đặt theo tên của cựu thủ tướng Ấn Atal Bihari Vajpayee và là một trong những đường hầm dành cho xe máy dài nhất của Ấn Độ.
Đường hầm dài 9 km trị giá 400 triệu USD sẽ rút ngắn quãng đường di chuyển qua một con đèo hiểm trở, dễ gặp lở đất của dãy Himalaya. Thời gian di chuyển cũng rút ngắn đi 4 giờ. Hầm nằm ở độ cao hơn 3.000 m, thi công trong suốt một thập kỷ và được ca ngợi là một kỳ tích về mặt kỹ thuật xây dựng của Ấn Độ.
Công việc thi công đường hầm chỉ có thể được thực hiện trong khoảng 6 tháng một năm do địa hình hiểm trở và nhiệt độ băng giá của vùng này.
Dự án được xem là một phần nỗ lực của New Delhi, nhằm bắt kịp sự phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở phía bên kia biên giới. Trong 6 năm qua, chính quyền Thủ tướng Modi đã triển khai một số dự án biên giới gồm cầu, đường và đường băng trên cao. New Delhi cũng kỳ vọng các dự án sẽ giúp thúc đẩy du lịch và hoạt động kinh tế.
Tổ chức Đường biên giới (BRO) Ấn Độ, đơn vị thực hiện hầu hết các dự án chiến lược ở khu vực, cho biết họ đã xây dựng nhiều hơn chỉ trong 4 năm qua so với cả thập kỷ trước.
Căng thẳng bùng phát tại biên giới Ấn - Trung, đặc biệt sau cuộc đụng độ ngày 15/6 tại thung lũng sông Galwan, trên dãy Himalaya, khiến hàng chục binh sĩ hai bên thương vong. Nguồn tin cảnh sát Ấn Độ tiết lộ binh sĩ nước này và Trung Quốc tiếp tục ẩu đả suốt ba tiếng tại khu vực tranh chấp hôm 29/8.
Binh sĩ Ấn - Trung nhiều lần ẩu đả tại khu vực biên giới trong những năm qua song không sử dụng vũ khí hoặc nổ súng. Sau vụ đụng độ hôm 15/6, quan chức quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới, tránh làm nổ ra xung đột. Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc được cho là vẫn triển khai nhiều khí tài lên khu vực biên giới như tiêm kích, trực thăng quân sự, radar cảnh giới, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không khác.
Mai Lâm (Theo AFP)