Sharma cho biết trong vài tuần qua, nỗi sợ hãi Covid-19 đã bén rễ trong ngôi làng Sabna thuộc quận Ambedkar Nagar, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Những cuộc tụ tập cộng đồng thường dưới chân tháp đồng hồ không còn. Hàng xóm hiếm khi nói chuyện với nhau. Đường phố vô cùng vắng lặng, đến mức người dân có thể nghe thấy tiếng châu chấu vào ban ngày.
Theo Sharma, việc nối lại hoạt động kinh doanh bây giờ quá nguy hiểm, ngay cả khi quận Ambedkar Nagar với hơn 3 triệu người chỉ ghi nhận một ca nhiễm nCoV. "Thà đói còn hơn nhiễm virus. Tại sao tôi phải mạo hiểm tính mạng của gia đình để đổi lấy vài trăm rupee?", ông giải thích.
Suốt 5 tuần qua, người dân Ấn Độ đoàn kết tuân thủ một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, được ban hành từ ngày 25/3 và dự kiến kéo dài đến 3/5. Biện pháp này được cho là đã giúp kiềm chế tốc độ lây lan của nCoV. Tỷ lệ nhiễm virus cũng tương đối thấp với một quốc gia có tới 1,3 tỷ dân, khi Ấn Độ ghi nhận hơn 31.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người chết, mặc dù năng lực xét nghiệm còn hạn chế.
Do vậy, phần lớn người Ấn Độ tán thành lệnh phong tỏa bất chấp những hậu quả kinh tế rõ rệt. Hầu hết giới chức nước này cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Narendra Modi rằng đại dịch là cuộc khủng hoảng chung, đòi hỏi sự phối hợp ở mọi cấp độ của xã hội.
Tuy nhiên, khi gánh nặng kinh tế ngày càng chồng chất, sự đoàn kết bắt đầu lung lay. Nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, Ấn Độ tuần trước cho phép nối lại một số hoạt động sản xuất, tái mở cửa nhiều cửa hàng tại vùng nông thôn và những nơi ít chịu ảnh hưởng của đại dịch. Chính quyền địa phương có quyền đưa ra những hướng dẫn mở cửa riêng, miễn là không trái với quy định của chính phủ.
Trong khi các bang như Kerala và Gujarat ủng hộ kế hoạch tái mở cửa, một số bang như Tamil Nadu, Jharkhand và Maharashtra cho biết họ sẽ duy trì phong tỏa ít nhất đến ngày 3/5, thời điểm Thủ tướng Modi sẽ quyết định có tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa hay không. Nhiều bang không lên tiếng về vấn đề này.
Quá trình nới "vòng kim cô" thậm chí khó khăn hơn do tính đa dạng của Ấn Độ, quốc gia có khoảng 20 ngôn ngữ chính thức và khác biệt văn hóa sâu rộng giữa các bang, thậm chí ngay giữa những ngôi làng gần nhau. Những thông báo không rõ ràng của chính phủ không giúp giải quyết vấn đề.
Sau khi khẳng định nhiều cửa hàng bán đồ không thiết yếu có thể hoạt động trở lại hôm 24/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ liên tiếp ra các tuyên bố đính chính trong vòng 24 giờ. Một trong các thông báo cho biết "tất cả cửa hàng" ngoài vùng đô thị có thể tái mở cửa. Tuy nhiên, phát ngôn viên Vasudha Gupta của Bộ sau đó viết trên Twitter rằng các cửa hàng được mở cửa không bao gồm hàng rượu, nhà hàng và tiệm làm đẹp.
Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ, nhóm đại diện cho các nhà bán lẻ, kêu gọi chính phủ làm rõ quy định về doanh nghiệp nào được phép mở cửa. Họ cho biết hàng triệu doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trên toàn quốc vào cuối tuần qua, nhưng chỉ vài nơi duy trì được hoạt động. "Do thiếu sự đồng thuận giữa chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật, nhiều thương nhân không được phép mở cửa", nhóm cho hay.
Tại bang Karnataka ở miền nam, Subhash Chandra, giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ điện thoại Sangeetha Mobiles, cho biết gần một nửa trong số 260 cửa hàng của họ nối lại hoạt động hôm 26/4, nhưng ngay lập tức bị cảnh sát địa phương bắt đóng cửa.
Ngay cả những chủ doanh nghiệp gặp ít rào cản hơn từ chính quyền cũng rơi vào thế khó. Họ gần như không thể hoàn thành công việc do vấn đề trong chuỗi cung ứng. Sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực, các lao động nhập cư đã rời thành phố về vùng nông thôn và khó có thể quay lại, bởi dịch vụ tàu hỏa và xe buýt bị đình chỉ.
Mukesh Goel, quan chức chính phủ chịu trách nhiệm giám sát những dự án xây dựng tại bang Punjab, cho biết văn phòng của ông đã mở cửa lại tuần trước, nhưng mới chỉ có vài nhân viên đến làm việc.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm cách nối lại toàn bộ công việc, nhưng có lẽ viễn cảnh đó còn xa vời. Chúng tôi cần máy móc, nhân công, những nguồn lực gần như không thể tìm thấy hiện nay", Goel giải thích.
Arunoday Singh Parawar, nhân viên xã hội ở bang Madhya Pradesh, cho biết sự hoài nghi đối với kế hoạch tái mở cửa đã vượt khỏi nỗi sợ Covid-19. Tại thị trấn Chhatarpur mà ông sinh sống, các cửa hàng thực phẩm chỉ được phép mở cửa luân phiên, dù khu vực này hầu như không chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Parawar cho rằng lý do đơn giản là giới chức lo sợ nếu nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm hoặc quá nhiều, họ có thể khó áp đặt lại quy tắc, thuyết phục hàng triệu người trở lại "vòng kim cô". "Chính quyền không muốn đánh mất sự kiểm soát với công chúng", Parawar nhận định.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cảnh báo lệnh phong tỏa không rõ ràng khó có thể duy trì bền vững. Với tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, hệ thống phân phối công cộng của Ấn Độ, giúp cung cấp thực phẩm và nhiều mặt hàng khác cho hàng trăm triệu người, đang chịu áp lực nghiêm trọng.
Tại những vùng xa xôi của đất nước, chính quyền đôi khi còn sử dụng vũ lực để buộc người dân ở trong nhà, khiến họ khó tiếp cận nguồn thực phẩm và đồ thiết yếu. Nazia Errum, một góa phụ làm thợ may để nuôi ba con ở làng Hajipara, bang Assam, cho biết cảnh sát dùng gậy đánh những người rời khỏi nhà. Với cảnh thất nghiệp một tháng qua, Errum lo sợ cả gia đình sẽ chết đói nếu lệnh phong tỏa tiếp tục kéo dài.
"Bạn sẽ kiếm tiền bằng cách nào khi không thể bước chân ra khỏi nhà dù chỉ một lúc? Bây giờ chúng tôi chỉ ăn cơm một bữa mỗi ngày thay vì ba bữa, bởi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Chúng tôi rất sợ", Errum nói.
Chính quyền Uttar Pradesh, bang lớn nhất Ấn Độ, cho biết họ sẽ không thực thi chỉ thị nới lỏng hạn chế của chính phủ. Theo Rajesh Kumar Jaiswal, người đứng đầu làng Sabna, việc thay đổi tâm lý người dân cũng là một trong những trở ngại lớn nhất của quá trình tái mở cửa.
"Mọi người đã quen với việc tuân thủ những biện pháp hạn chế. Ngay cả khi chính quyền nới lỏng chúng, liệu họ có ra ngoài hay không? Không ai còn tụ tập nữa", ông nói.
Sharma, chủ cửa hàng bán lẻ nhỏ tại Sabna, cho biết ông từng có ý định nối lại hoạt động hôm 26/4 để mọi người có thể đến mua thực phẩm khô, cũng như đồ gia dụng. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, Sharma một lần nữa đóng cửa hàng, bởi lo sợ ông có thể gây nguy hiểm cho dân làng và bị tẩy chay nếu ai đó ốm.
"Những ai sống sót qua đại dịch sẽ nhớ về khoảng thời gian mà mọi người có cơ hội kiếm tiền, nhưng lại sợ chính khách hàng đưa tiền cho họ", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)