Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) vừa thông báo hạ lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay, động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc và hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang đối mặt những sức ép mới.
RBI hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) xuống mức 5,15%, với 5 phiếu đồng ý từ các thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ, một phiếu đề xuất giảm 0,4%.
Thống đốc RBI Shaktikanta Das trong họp báo mới đây khẳng định sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng đủ lâu để phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo lạm phát nằm trong mục tiêu đề ra. Cùng với việc hạ lãi suất, RBI giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm tới xuống mức 6,1%, so với dự báo tăng 6,9% trước đó.
Kinh tế Ấn Độ đã chứng kiến đà giảm tốc quý thứ 5 liên tiếp và trong quý II, GDP nước này tăng chậm nhất 6 năm gần đây. Theo dữ liệu của IMF, trong tháng 5, Ấn Độ cũng mất ngôi đầu về tốc độ tăng trưởng vào tay Trung Quốc, dù quốc gia này cũng chứng kiến đà suy giảm mạnh. Các chỉ số kinh tế được Bloomberg theo dõi cho thấy hoạt động đầu tư và tiêu dùng cùng yếu đi.
Lãi suất tham chiếu của Ấn Độ, sau lần điều chỉnh mới đây, đã về mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Động thái này được cho là nỗ lực giảm bớt đà giảm của kinh tế. Trước đó, Chính phủ nước này đã triển khai nhiều biện pháp tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm một kế hoạch giảm thuế 20 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Tổng các đợt hạ lãi suất từ đầu năm tới nay, RBI đã giảm lãi suất 1,35%. Mức giảm khiến giới phân tích lo ngại về dư địa để điều chỉnh.
"Tôi nghĩ họ đã hành động đủ, chính sách có độ trễ, họ nên đợi việc nới lỏng phát huy tác dụng", Prakash Sakpal, chuyên gia kinh tế trưởng của ING Groep nhận xét. "Nếu không, chính sách nới lỏng và bơm tiền mạnh rốt cục chỉ có thể dẫn tới lạm phát".
Ngoài nền kinh tế giảm tốc, RBI còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong hệ thống ngân hàng, có khả năng cản trở hoạt động cho vay. Gần đây, RBI đã phải áp hạn chế rút tiền đối với một ngân hàng nhỏ và hạn chế cho vay đối với một ngân hàng khác.
Chỉ số BSE Sensex của Ấn Độ đã kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 6 giảm hơn 433 điểm, sau khi RBI giảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2020. Chỉ số Nifty50 cũng giảm 139 điểm, khiến cả hai chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán mất hơn 3% trong tuần này.
Minh Sơn (theo CNBC, Bloomberg)