Trọng lượng tối đa cặp sách của học sinh lớp 1 và 2 không được vượt quá 1,5 kg, lớp 3 đến 5 không quá 3 kg, lớp 6 đến 8 khoảng 4 kg, lớp 9 là 4,5 kg và lớp 10 không quá 5 kg.
"Việc mang cặp sách quá nặng là mối đe dọa với sức khỏe học sinh, đối tượng đang có nhiều thay đổi về cơ thể. Nếu không can thiệp sớm, thể hình của giới trẻ Ấn Độ sẽ không thể cải thiện", Snikdha Misra, cán bộ phụ trách giáo dục của Bộ Phát triển nguồn nhân lực, nói hôm 12/9.
Theo các chuyên gia, khi trẻ mang cặp sách nặng, dây đeo đè vào các cơ phần cổ gây đau đầu, đau vai, lưng và cánh tay. Việc khoác cặp sách nặng trên một vai khiến cơ bắp bị căng, cột sống nghiêng về phía đối diện, làm mất cân bằng, gây co thắt cơ và đau lưng.
Cặp sách nặng cũng là một trong những lý do chính gây đau cổ tử cung, thắt lưng (do bước đi khó khăn hơn), về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tư thế của cơ thể, gây mất cân bằng và ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Ngày 12/9, Snikdha Misra cùng Đội đặc nhiệm của chính quyền quận Khordha, tỉnh Odisha đã đến một số trường trong tỉnh kiểm tra đột xuất trọng lượng cặp sách học sinh. "Các trường được kiểm tra chấp hành rất tốt việc này", cô nói.
Misra cho rằng, phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra trọng lượng cặp sách của con. Bố mẹ không nên mua cho trẻ loại cặp sách quá lớn và những loại vở dày với tâm lý "dùng cho lâu hết".
Bộ Phát triển nguồn nhân lực hợp tác với Bộ Giáo dục Ấn Độ yêu cầu giáo viên thông báo môn học và số lượng vở cần thiết cho buổi học hôm sau, tránh để học sinh nhầm lẫn và mang thừa sách.
Trước đó đầu tháng 9, chính quyền bang Manipur, Ấn Độ thi hành "ngày đi học không cặp sách" vào thứ bảy hàng tuần cho học sinh từ lớp 1 đến 8 tại tất cả trường công và tư. Các em được tham gia hoạt động ngoại khóa, trò chơi thể thao, giải trí và làm cho trường học trở thành nơi học tập vui vẻ hơn vào tất cả thứ bảy.
Thanh Hằng (Theo India Today)