Kể từ tháng 2, nước này ghi nhận 451 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong. Theo các chuyên gia, con số trong thực tế có thể cao hơn do người dân không báo cáo. Các biểu hiện điển hình của mắc cúm là ho, sốt, mất tiếng và khó thở.
"Chủng cúm đang lưu hành là H3N2. Người dân sốt cao từ 4 đến 5 ngày kèm đau họng 7 đến 10 ngày. Sau đó, họ bắt đầu ho có đờm từ hai đến ba tuần. Bác sĩ cần điều trị bằng steroid dạng hít hoặc uống để cải thiện tình trạng trên. Cúm là mối đe dọa với người cao tuổi mắc bệnh tim, có thể dẫn đến suy tim", tiến sĩ Samrat Shah, chuyên gia tư vấn Nội khoa tại Bệnh viện Bhatia Mumbai, cho biết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình tại Ấn Độ tương tự dịch cúm tại các nước phương Tây kể từ tháng 9/2022 đến tháng 1. Giáo sư SK Chhabra, Trưởng khoa Y học Chăm sóc Phổi, Giấc ngủ và Hồi sức, Bệnh viện Primus, cho biết nguyên nhân là do thời tiết thay đổi nhanh chóng từ lạnh sang ấm hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
"Trong suốt mùa đông, khi số ca mắc bệnh tim mạch tăng lên, số ca nhiễm virus cũng tăng theo. Mùa đông qua dần và mùa hè đến sớm hơn, số bệnh nhân sốt virus siêu vi, cảm lạnh và ho cũng như nhiễm trùng đường hô hấp tăng nhanh chóng", ông Chhabra cho biết.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) vào tháng 2 cho thấy đợt bùng phát bất thường này là do khả năng miễn dịch của người dân thấp, tỷ lệ tiêm phòng cúm giảm.
"Các ca nhiễm virus toàn cầu thấp hơn trong đại dịch Covid-19. Người dân mất khả năng miễn dịch tự nhiên do tỷ lệ lây nhiễm giảm, kháng nguyên của viurs thay đổi trong khi lưu hành có thể khiến số ca mắc trong năm 2022-2023 tăng lên", báo cáo nêu rõ.
WHO cho biết một số quốc gia cũng báo cáo các ca nhiễm cúm A (H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B. Virus cúm A và B gây ra các đợt dịch bệnh theo mùa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết các đợt dịch cúm ở Ấn Độ thường đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 9.
Nhóm tuổi dễ nhiễm cúm hoặc chuyển nặng nhất là trẻ em đang đi học, người trên 60 tuổi mắc các bệnh như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, hen suyễn và tim mạch.
Thục Linh (Theo Financial Express)