"Chúng tôi đã xác định được các khu vực có số lượng sinh con gái bằng 0 hoặc chỉ dừng lại ở một con số", Ashish Chauhan, thẩm phán huyện Uttarkashi, bang Uttrakhand, miền bắc Ấn Độ, ngày 24/7 cho biết.
Chính quyền bang mở cuộc điều tra sau khi các báo cáo chính thức cho thấy toàn bộ 216 em bé được sinh ra trong ba tháng qua tại 132 ngôi làng ở huyện Uttarkashi, cách thủ đô New Delhi 400 km, đều là con trai. Một nhóm 25 quan chức được thành lập để tìm hiểu nghi vấn người dân ở đây phá thai chọn lọc giới tính, một hành vi phổ biến tại Ấn Độ và đã bị cấm vào năm 1994.
"Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, rõ ràng phá thai chọn lọc giới tính đã được thực hiện trong khu vực và chính quyền không có động thái nào để ngăn chặn nó", nhà hoạt động vì nữ quyền Ấn Độ Kalpana Thakur cho biết.
Trọng nam khinh nữ là vấn đề nổi cộm tại Ấn Độ từ rất lâu, khi các bé gái mới sinh thường bị đầu độc, bóp cổ, dìm chết, bị bỏ đói hoặc đơn giản là bị bỏ mặc cho đến chết. Cuộc điều tra dân số Ấn Độ năm 2011 cho thấy tỷ lệ chênh lệch giới tính tại quốc gia này là 943 bé gái trên 1.000 bé trai, nhưng tỷ lệ này hiện đã giảm xuống chỉ còn 896 bé gái.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2014 cho thấy số lượng trẻ em gái ở Ấn Độ đang giảm dần và đã đạt đến tỷ lệ khẩn cấp. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các vụ hãm hiếp và tội phạm tình dục nhắm vào phụ nữ ở quốc gia này.
Theo truyền thống, các cô gái Ấn Độ phải tự xoay xở số tiền hồi môn đắt đỏ trong đám cưới của mình, trong khi đàn ông được coi là tài sản đắt giá mang tên gia tộc và được phép thực hiện các nghi lễ quan trọng của Ấn Độ giáo. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết nhiều gia đình chỉ muốn có con trai và sẵn sàng phá bỏ thai nhi nữ cho tới khi sinh được con trai.
Trong khi đó, một cuộc "khủng hoảng cô dâu" đang diễn ra ở các bang Punjab và Haryana miền bắc Ấn Độ, nơi hàng nghìn thanh niên không tìm được vợ sau nhiều thập kỷ. Một số gia đình đã bắt đầu tìm kiếm con dâu từ các quốc gia nghèo nhưng vẫn giữ hy vọng họ sẽ tiếp tục sinh con trai.
"Đây là một bản năng nguyên thủy mà pháp luật không thể thay đổi", quan chức Seema Mustafa thuộc Trung tâm phân tích chính sách ở New Delhi, cho biết.
Ngọc Ánh (Theo Telegraph)