Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 2/8 thông báo nhóm tàu chiến sẽ khởi hành vào đầu tháng này, nhưng không nêu thời gian cụ thể. Đội hình nhóm tác chiến bao gồm một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, hai tàu hộ vệ tên lửa và một tàu chống ngầm.
4 chiến hạm sẽ tham gia một loạt hoạt động diễn tập trong hai tháng được triển khai tới Biển Đông, bao gồm cuộc diễn tập hải quân Malabar với lực lượng Mỹ, Nhật và Australia, ba đồng minh của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ.
Nhóm tàu Ấn Độ còn dự kiến tiến hành các cuộc diễn tập song phương khác với lực lượng hải quân từ những quốc gia ven Biển Đông.
"Những sáng kiến hàng hải này giúp tăng cường sức mạnh phối hợp và hợp tác giữa hải quân Ấn Độ với các nước bạn, dựa trên những lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng tới tự do hàng hải", thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ có đoạn.
Biển Đông được cho là trở thành điểm nóng của hoạt động hải quân các cường quốc trong vài tuần gần đây. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh tiến vào Biển Đông, diễn tập cùng ba chiến hạm của hải quân Singapore ở vùng biển quốc tế phía nam khu vực này.
Cùng lúc đó, Trung Quốc tổ chức hai đợt diễn tập ở ngoài khơi phía đông nam tỉnh Quảng Đông, nhưng không tiết lộ cụ thể những lực lượng tham gia và nội dung diễn tập. Đầu tháng trước, Hạm đội 7 của Mỹ cũng lập một nhóm tác chiến với hai chiến hạm và quân số từ ba đơn vị để diễn tập trên Biển Đông.
Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đánh giá việc Ấn Độ triển khai tàu đến Biển Đông là sự hiện diện hải quân rõ ràng nhất của nước này ở phía đông eo biển Malacca, nhưng dự đoán họ sẽ không có động thái nào khiêu khích Trung Quốc, bất chấp không khí căng thẳng giữa hai nước sau vụ đụng độ chết người ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hồi năm ngoái.
Từ sau sự cố này, Ấn Độ được cho là đã tìm cách tái khẳng định quan hệ gắn bó với nhóm Bộ Tứ. Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa lãnh đạo 4 nước hồi tháng 3, Bộ Tứ tuyên bố họ đang cố gắng "đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực năng động và dễ tiếp cận, tuân theo luật pháp quốc tế và những nguyên tắc nền tảng, như tự do hàng hải và giải quyết bất đồng trong hòa bình, đồng thời mọi quốc gia đều có thể đưa ra lựa chọn chính trị riêng, không bị ép buộc".
Ánh Ngọc (Theo CNN)