"Vùng Arunachal Pradesh đã và sẽ luôn là một phần lãnh thổ Ấn Độ. Gán những cái tên tự sáng tác cho các địa điểm thuộc Arunachal Pradesh không thể thay đổi thực tế này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong tuyên bố ngày 30/12.
Tuyên bố được Ấn Độ đưa ra sau khi Bộ Nội vụ Trung Quốc trong tuần này thông báo đã "chuẩn hóa" tên gọi bằng tiếng Hoa cho 15 địa danh thuộc khu vực "Tạng Nam" (Nam Tây Tạng), cách chính phủ nước này gọi khu vực tranh chấp mà Ấn Độ đặt tên là Arunachal Pradesh.
![Lính Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu tại biên giới tranh chấp hồi tháng 6/2020. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/31/Bie-n-gio-i-jpeg-5599-1640948348.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7TUFOnZyDX-jq25YxRhLTA)
Lính Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu tại biên giới tranh chấp hồi tháng 6/2020. Ảnh: AFP.
Các địa điểm được Trung Quốc đặt tên mới có các khu dân cư, sông suối và ngọn núi. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đặt tên các địa điểm tại Arunachal Pradesh. Động thái tương tự từng diễn ra vào năm 2017, khi Trung Quốc đặt tên tiếng Hoa cho 6 địa điểm và châm ngòi phản ứng ngoại giao quyết liệt từ Ấn Độ.
Bình luận về thông báo đặt tên mới cho 15 địa điểm trên dãy Himalaya, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố vùng lãnh thổ phía nam Tây Tạng "thuộc khu tự trị Tây Tạng và là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc". Ông nhấn mạnh quyết định đặt lại tên "thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc".
Trung Quốc tuyên bố kiểm soát Tây Tạng vào năm 1951 và tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực giáp Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực phía nam cao nguyên Tây Tạng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định khu vực Arunachal Pradesh là "một phần không thể tách rời" của nước này.
![Vị trí khu vực Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tạng). Đồ họa: Flickr/Andy Proehl.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/31/5-JPG-6239-1640950357.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nfNEfVnYWYFFOd_MKxOuxg)
Vị trí khu vực Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tạng). Đồ họa: Flickr/Andy Proehl.
Tranh chấp biên giới Ấn - Trung leo thang nguy hiểm trong vài năm gần đây, với đỉnh điểm là vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai nước vào tháng 6/2020 ở một thung lũng giữa Ladakh và Tây Tạng, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 5 quân nhân Trung Quốc thiệt mạng.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung tăng nhiệt trở lại sau nỗ lực đàm phán giảm leo thang quân sự cuối năm 2020, đầu năm 2021. Trung Quốc hồi tháng 10 thông qua Luật Biên giới Đất liền, dự kiến có hiệu lực từ ngày mai, cho phép lực lượng nước này sử dụng mọi biện pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và biên giới trên bộ.
Chính phủ Ấn Độ sau đó bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc không vận dụng luật này để có những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực biên giới hai nước.
Trung Nhân (Theo AFP, India Times)