Quy tắc mới yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải tạo ra ba vai trò ở Ấn Độ, gồm: "viên chức tuân thủ" - đảm bảo luôn tuân thủ pháp luật địa phương; "nhân viên khiếu nại" - giải quyết các khiếu nại từ người dùng Ấn Độ trên nền tảng; và "người liên lạc" - đóng vai trò cung cấp thông tin lập tức cho các cơ quan thực thi pháp luật của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, các công ty truyền thông xã hội cũng phải tuân thủ việc báo cáo dữ liệu cho chính phủ hàng tháng, nêu chi tiết số lượng khiếu nại đã nhận được và giải pháp đã thực hiện. Các công ty này cũng được yêu cầu xóa một số loại nội dung, như "ảnh khỏa thân toàn bộ hoặc một phần", "hành động tình dục" cũng như "hành động mạo danh".
Theo đại diện chính phủ Ấn Độ, các mạng xã hội lớn sẽ có ba tháng để tuân thủ các chính sách. Các mạng xã hội nhỏ hơn sẽ phải tuân thủ quy định lập tức. Việc đánh giá mạng xã hội lớn hay nhỏ được dựa trên số lượng người dùng đang hoạt động.
Quy định mới được chính phủ nước này đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ của họ và Twitter đang trở nên căng thẳng. Twitter đã khôi phục một số tài khoản mà chính phủ ra lệnh gỡ bỏ vì dùng các hashtag "vô căn cứ và gây xung đột", chủ yếu liên quan đến việc nông dân phản đối các cải cách nông nghiệp mới. Trước đó, mạng xã hội này đã gỡ bỏ hoặc hạn chế hàng trăm tài khoản, nhưng vẫn từ chối chặn một số tài khoản khác của nhà báo, nhà hoạt động xã hội và chính trị gia.
Theo đánh giá của giới quan sát, sau Ấn Độ, có thể nhiều quốc gia khác sẽ mạnh tay kiềm chế các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Twitter. Thời gian qua, những mạng xã hội này bị nhiều chính phủ lo ngại do nắm quá nhiều quyền lực nhưng lại ít chịu trách nhiệm về các nội dung trên nền tảng của mình.
Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ, cho biết các mạng xã hội luôn được hoan nghênh khi kinh doanh tại Ấn Độ. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chính phủ yêu cầu họ "cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn việc lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội".
Đại diện Facebook hoan nghênh các quy định của Ấn Độ và cho biết sẽ "nghiên cứu kỹ lưỡng" các quy định mới. Twitter và Google, công ty sở hữu YouTube, chưa đưa ra bình luận.
Ấn Độ hiện là thị trường lớn của nhiều mạng xã hội Mỹ. Trong cuộc họp báo hôm 25/5, ông Prasad cho biết các nền tảng thuộc Facebook sở hữu có lượng người dùng lớn nhất: Facebook có 410 triệu người dùng, Instagram có 210 triệu người dùng và WhatsApp có 530 triệu người dùng. YouTube và Twitter có khoảng 450 triệu và 17,5 triệu người dùng tương ứng.
Như Phúc (theo CNN)